Qua hàng ngàn năm lịch sử, từ khi Hội Thánh Kitô Giáo duy nhất được Chúa Giêsu thiết lập và Chúa Thánh Thần hoạt hoá, sự hiệp nhất của Hội Thánh hết lần này đến lần khác bị bức hại và phá vỡ, khi thì do các nhóm tín hữu xa cách, khi thì do nhà cầm quyền quốc gia và nhiều lúc lại do các nhóm lạc giáo… Sự hiệp nhất ấy bị tổn thương cách cụ thể nhất là qua việc cắt đứt hiệp thông với vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, Đức Giáo Hoàng.
Thiên Chúa thiết lập chức vị Giáo Hoàng
Do ý định của Thiên Chúa và hành động của Chúa Giêsu, Hội Thánh được thiết lập và đặt nền tảng tuyệt đối trên các Thánh Tông Đồ (Sách Khải Huyền chương 21 câu 14 nói rõ điều này), và đoàn Tông Đồ này được đặt dưới sự lãnh đạo chắc chắn của vị trưởng đoàn là Thánh Simôn Phêrô.
Quả thật, chính Chúa Giêsu đã ban cho riêng mình Phêrô quyền trói buộc và tháo cởi trên trời dưới đất, ban chìa khoá Nước Trời (Mt 16,18-19); đồng thời Chúa cũng trao cho Phêrô quyền chăn dắt trên các chiên con và các chiên lớn của Người (Ga 21,15-17).
Ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, Phêrô vẫn luôn đóng vai trò là người đứng đầu và người phát ngôn của Hội Thánh. Hoạt động của Thánh nhân được làm nổi bật hơn hẳn các Tông Đồ khác trong tất cả các sách Tin Mừng và nửa đầu sách Công vụ Tông Đồ. Toàn thể Giáo Hội thời đầu đều tin rằng Phêrô là người đứng đầu Tông Đồ đoàn, đồng nghĩa là nhà lãnh đạo tối cao của Hội Thánh. Như vậy, Thánh Phêrô đã là Giáo Hoàng trước khi làm Giám Mục Rôma. Kể từ khi Phêrô thiết lập Giáo Hội tại Rôma, Ngài trở thành Giám Mục của thành này, và cũng từ đó những vị Giáo Hoàng kế vị Ngài nghiễm nhiên đảm đương cả chức vụ Giám Mục chính toà Rôma.
Giáo Hoàng là chuẩn mực đức tin
Chúa Giêsu đã đặt Phêrô làm người củng cố đức tin của mọi anh chị em mình (Lc 22,32). Các Thánh Giáo phụ đều đồng thanh dạy rằng: chỉ có Giáo Hội Rôma của Giáo Hoàng mới nắm giữ trọn vẹn đức tin Tông Truyền từ Chúa Giêsu Kitô. Để có thể thuộc về Hội Thánh Chúa Kitô thì người ta nhất thiết phải hiệp thông với vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội Rôma. Các ngài cũng tin rằng chức vụ và quyền bính của các Tông Đồ được truyền lại cho những người kế vị, nên khi Phêrô ra đi thì người kế vị Ngài làm Giám Mục Rôma cũng có quyền bính và uy năng như chính Phêrô vậy.
Thánh Irênê (thế kỷ 2) dạy: “Mọi Hội Thánh đều phải vâng lời Hội Thánh Rôma, vì nguồn gốc siêu nhiên của Hội Thánh ấy… Và chính trong Rôma mà mọi nơi duy trì được truyền thống Tông Đồ của mình.” Thánh Augustinô (thế kỷ 4) thì quả quyết: “Khi Rôma lên tiếng, mọi tranh chấp đều được giải quyết.”
Thế kỷ 14, trong các thị kiến của mình, Thánh Catarina Siêna đã nói: “Thiên Chúa Cha phán dạy rằng: Tất cả các con phải vâng phục vị đại diện của Chúa Kitô Con Cha mà các con gọi là Đức Thánh Cha cho đến chết. Ai tách mình ra, không vâng phục ngài, kẻ đó sẽ bị án phạt, như Cha đã nói với con… Như vậy Giáo Hoàng là Đức Kitô của Cha trên trần gian… Nhờ Giáo Hoàng mà nảy sinh phẩm trật giáo sĩ, và chính ngài chỉ định cho mỗi người một chức vụ để phân phát Máu rất quý báu (của Chúa Kitô).”
Giáo Hoàng là căn nguyên hiệp nhất và căn tính Giáo Hội
Theo Giáo lý Công Giáo số 886, mỗi Giám Mục là vị lãnh đạo của một đoàn tín hữu địa phương, ngài chỉ có thẩm quyền và trách nhiệm trên Giáo Hội địa phương của ngài mà thôi. Như vậy, về nguyên tắc, Giám Mục của một giáo phận không có quyền và trách nhiệm gì trên giáo phận lân cạnh mình, dù là cùng hay khác quốc gia; các linh mục của giáo phận này cũng không thể tự nhiên thi hành thừa tác vụ ở giáo phận khác; hai giáo phận cạnh nhau hoạt động như hai Giáo Hội độc lập.
Chính do đó, để có thể tạo thành một Hội Thánh Công Giáo hiệp nhất của Chúa Kitô, các Giám Mục và tín hữu các nơi phải cùng nhau ở dưới quyền của một vị lãnh đạo chung, đó là Đức Giáo Hoàng.
Đức Giáo Hoàng là Giám Mục riêng của giáo phận Rôma, người kế vị Thánh Phêrô Tông Đồ, trưởng Giám Mục đoàn, đồng thời là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo Hội, hiệp nhất giữa các Giám Mục và hiệp nhất giữa mọi tín hữu Công Giáo. Ngài có quyền bính chắc chắn, tối cao, trọn vẹn, trực tiếp và phổ quát trên toàn thể Giáo Hội.
Một Giám Mục chỉ có thể làm Giám Mục Công Giáo khi phục quyền của vị thủ lãnh hàng Giám Mục. Một tín hữu chỉ có thể làm tín hữu Công Giáo khi phục quyền của vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo.
Vì thế, để có thể là thuộc Hội Thánh Công Giáo Tông Truyền, điều cốt yếu không chỉ là tuyên xưng đức tin, mà nhất thiết là phải vâng phục Đức Giáo Hoàng, Giám Mục Rôma. Ai không vâng phục vị Giáo Hoàng đương kiêm thì lập tức cắt đứt hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo hoàn vũ, đương nhiên không còn tính Công Giáo Tông Truyền nữa, dù có tuyên xưng đức tin ra sao.
Ma quỷ hằng muốn người ta mất hiệp thông với Giáo Hoàng
Vì vai trò lớn lao của Đức Giáo Hoàng là người củng cố đức tin và hiệp nhất trong Giáo Hội, ma quỷ là kẻ thù của đức tin hằng muốn ly gián người tín hữu với vị lãnh đạo tối cao này.
Trong lịch sử, ma quỷ đã dùng hết cách này đến cách khác để khiến người ta không chịu hiệp thông với vị Giáo Hoàng và quay ra chống đối ngài. Đầu tiên là những tư tưởng tranh giành quyền lực, đòi được làm lãnh đạo ngang hàng Phêrô và không phục lời dạy của ngai toà Rôma. Đó là cuộc ly giáo Đông Tây 1054, phát sinh Chính Thống Giáo Đông Phương không hiệp thông với Giáo Hoàng, cũng như nhiều cuộc ly khai nhỏ khác vào các thời trước.
Thứ đến là các chia rẽ do nhà cầm quyền. Xưa có nhà cầm quyền Pháp, Anh muốn chia tách Giáo Hội ở quốc gia mình với Giáo Hội mẹ Rôma. Thời nay, sự chia rẽ này được thể hiện điển hình nhất ở Trung Quốc, nơi chính quyền biết rõ là chỉ cần tín hữu bất trung với Giáo Hoàng thì sẽ không giữ được căn tín Công Giáo nữa. Chính do vậy, trong kế hoạch đàn áp Công Giáo, nỗ lực hàng đầu của họ là cắt đứt mối dây hiệp thông với Đức Giáo Hoàng Rôma.
Sau cùng là các chia rẽ mang màu sắc thiêng liêng, đó là các dị giáo và lạc giáo. Trong quá khứ Giáo Hội đã xuất hiện rất nhiều người tự xưng mình được mặc khải của Thiên Chúa, tuyên bố vị Giáo Hoàng đương kiêm là giả, là nguỵ, là xấu xa,… chẳng hạn như các tiên tri giả Clemente Dominguez y Gomez, William Kamm, John Canada… Còn hiện tại thì điển hình nhất là nhóm “Sứ điệp từ trời” – phát xuất từ dị giáo The Warning Second Coming của thị nhân tự xưng Maria Divine Mercy, Iceland. Nhóm này không ngừng chủ trương vị Giáo Hoàng cuối cùng là Đức Bênêđictô XVI, và Đức Thánh Cha Phanxicô đương kiêm là tiên tri giả. Họ giải thích sai lạc các lời tiên tri của sách Khải Huyền và tiên báo những điều không hề xảy ra. Đây là mánh lới gian ngoa cuối cùng của ma quỷ, dùng sự đạo đức vỏ bọc để tách các tín hữu khỏi mối hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, do đó trở thành ly giáo và mất ân sủng từ các bí tích.
Người tín hữu phải duy trì lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng trong mọi hoàn cảnh
Công Đồng Vaticanô I dạy rằng: “Ai nói rằng không phải bởi hành động thiết lập của chính Chúa Kitô mà Phêrô có được người kế vị không ngừng trong thẩm quyền tối cao với toàn thế Giáo Hội, hay nói rằng vị Giáo Hoàng Rôma không phải là người kế vị Phêrô trong thẩm quyền tối cao ấy, thì: kẻ đó bị chúc dữ.”
Các Thánh Giáo Phụ, các Thánh và các thầy dạy khác trong Hội Thánh không ngừng khẳng định và khuyên nhủ mọi tín hữu phải vâng phục và trung thành với Đức Giáo Hoàng Rôma. Không phải vì ngài giỏi giang hay hay ho trổi vượt mà ta phải vâng phục ngài, nhưng vì ngài nắm giữ quyền bính mà Thiên Chúa trao phó nên ta phải làm điều ấy. Chẳng ai có đủ sức và thẩm quyền để nói một Giáo Hoàng là xứng đáng hay không với ngai toà của mình, vì Giáo Hoàng được Hồng Y đoàn bầu lên, và có Chúa Thánh Thần soi sáng cho hành động ấy; xứng hay không xứng chỉ có thể là do Thiên Chúa kết luận.
Chính Thánh Catarina Siêna đã mạnh mẽ nói rằng: “Cho dẫu vị Giáo Hoàng là ma quỷ đầu thai đi nữa, chúng ta cũng không được đương đầu chống lại ngài, ngược lại phải ngả vào lòng ngài. Ai chống lại Đức Thánh Cha là mang vào mình án phạt huỷ diệt, bởi chống lại ngài là chống lại Chúa Kitô… Chúng ta phải vâng lời và tùng phục ngài, không phải vì chính bản thân ngài, mà là vì Thiên Chúa, vì đức vâng lời với Thiên Chúa.” (“Sách Vâng Phục” của Thánh Catarina Siêna).
Gioakim Nguyễn