Thường thường ma quỷ làm mọi điều có thể để che giấu hành tung của nó. Nó không thích nói, và nó cố gắng mọi cách để làm cho cả nhà trừ quỷ lẫn người bị quỷ nhập phải thất vọng. Kinh nghiệm dạy tôi rằng hành động của ma quỷ đi theo bốn bước: trước khi bị phát hiện, trong khi đang trừ quỷ, vào lúc bắt đầu giải thoát và sau khi giải thoát. Tôi phải lưu ý rằng không bao giờ có hai trường hợp giống nhau. Hành động của ma quỷ thì không thể nói trước được và mang nhiều hình thức khác nhau. Điều mà tôi sắp mô tả quy về hành động thường gặp nhất.
1. Trước khi phát hiện. Quỷ nhập gây ra những xáo trộn thể lý và tâm thần. Do đó, người bị quỷ nhập thường thường ở dưới sự chăm sóc của một bác sĩ, và không ai nghi ngờ về bản tính đích thực của các vấn đề. Các bác sĩ thường cố gắng chữa các triệu chứng trong một thời gian dài và thử nhiều thứ thuốc, luôn luôn với những kết quả rất giới hạn. Bệnh nhân thường đi hết bác sĩ này đến các bác sĩ khác, rồi chê họ là kém khả năng. Các triệu chứng tâm thần là khó chữa nhất; nhiều lần các chuyên gia không tìm thấy điều gì trục trặc – mặc dù điều này cũng thường xảy ra với các bệnh về thể lý nữa – và thường thường gia đình hay kết tội người bị quỷ ám là hay tưởng tượng ra các vấn đề. Đây là một trong những thánh giá nặng nề nhất cho những “bệnh nhân” này; họ không được hiểu cũng không được tin tưởng. Hầu như luôn luôn, sau khi đi tìm một cách vô hiệu sự trợ giúp của “nền y khoa chính thức”, những người này bắt đầu đi gõ cửa “các tay lang băm”, hoặc tệ hơn, các tay phù thủy, thầy bói, thầy mo. Bằng cách này, các rắc rối càng tăng thêm.
Bình thường, những ai đến với nhà trừ quỷ (theo sự góp ý của bạn bè; rất hiếm khi có lời khuyên của linh mục!) thì trước đó họ cũng đã đi gõ cửa các bác sĩ, và họ rất nghi nan; nhiều lần họ đã thử đến với các thầy phù thủy, thầy cúng. Thường thường sự kiện thiếu – không thể bào chữa được – sự chăm sóc của Giáo Hội trong lãnh vực này cộng thêm vào sự thiếu đức tin hoặc thiếu thực hành đức tin của những người này, đương nhiên kết quả sẽ là một sự chậm trễ tìm đến với nhà trừ quỷ.
Chúng ta phải nhớ rằng ngay cả trong những trường hợp quỷ nhập hoàn toàn – tức là trong những trường hợp ma quỷ sử dụng thân xác của nạn nhân để nói và hành động – thì ma quỷ cũng không hành động cách đều đặn. Nó hoạt động từng giai đoạn (thường được gọi là những “lúc khủng hoảng”) với những giai đoạn ngưng nghỉ bất ngờ. Theo đó, chỉ trừ một ít trường hợp, nạn nhân có thể hoạt động và duy trì công việc hoặc đi đến trường một cách dường như bình thường. Chỉ riêng mình nạn nhân mới biết được việc thực hiện những việc này đòi hỏi phải có nỗ lực ghê gớm như thế nào.
2. Trong khi trừ quỷ. Vào lúc bắt đầu, ma quỷ hết sức cố gắng để không bị phát hiện hoặc ít nhất che dấu tính cách nghiêm trọng của việc nó ám, cho dù nó không luôn luôn thành công. Đôi khi, nó bị nhà trừ quỷ dùng sức mạnh bắt buộc nó phải bộc lộ sự hiện diện của nó ở ngay những kinh đầu tiên; những lần khác, phải mất nhiều kỳ trừ quỷ nó mới bị phát hiện. Tôi nhớ một anh thanh niên, vào lúc làm phép lần đầu, anh chỉ biểu hiện một phản ứng tiêu cực nhẹ. Tôi thầm nghĩ: “Trường hợp này coi bộ dễ dàng; chắc chỉ cần làm phép lần này và vài lần nữa là xong.” Tới khi làm phép lần thứ hai anh ta trở nên dữ dằn hơn, và sau đó tôi không thể bát đầu trừ quỷ được nữa nếu không có bốn người lực lưỡng khống chế anh ta.
Vào những dịp khác, người ta phải chờ đợi đến “giờ của Chúa”. Tôi còn nhớ rõ một người đã tham vấn nhiều nhà trừ quỷ, kể cả tôi, mà không thấy bất cứ dấu vết nào có sự hiện diện của ma quỷ. Cuối cùng, một lần quỷ bị cưỡng bức phải bộc lộ mình ra, và sau đó việc trừ quỷ được tiến hành kết quả. Đôi khi, từ lần làm phép thứ nhất hoặc thứ hai ma quỷ đã bộc lộ tất cả sức mạnh của nó, điều này thay đổi theo từng trường hợp. Có khi sự bộc lộ đang diễn tiến; thì một số người bị quỷ ám hình như mỗi kỳ có một chứng bệnh khác nhau, khiến người ta có ấn tượng rằng mỗi căn bệnh thể xác phải được đem ra lần lượt để được chữa lành.
Ma quỷ phản ứng theo nhiều cách khác nhau trước các kinh nguyện và các mệnh lệnh. Nhiều lần nó cố gắng tỏ ra dửng dưng; nhưng trong thực tế nó chịu đựng và tiếp tục chịu đựng hơn nữa cho đến khi sự giải thoát được hoàn tất. Một số người bị quỷ nhập im lặng và bất động, và nếu bị kích thích, thì chỉ có cặp mắt phản ứng. Những người khác vùng vẫy lung tung, và nếu không có ai giữ lại, thì họ đã tự hại mình. Một số khác rên rỉ, đặc biệt là khi đặt dây Stola trên phần thân thể bị ảnh hưởng, như sách Nghi thức đề nghị, hoặc nếu họ được làm phép với dấu Thánh giá hoặc nước phép. Rất ít người hung hãn, và những người này phải được giữ bởi những người giúp đỡ nhà trừ quỷ hoặc bởi thân nhân họ.
Ma quỷ rất miễn cưỡng nói ra. Sách Nghi thức, rất ngặt, khuyên nhà trừ quỷ đừng hỏi những câu hỏi tò mò, nhưng chỉ hỏi điều gì cần cho việc giải thoát thôi. Điều thứ nhất cần hỏi là tên. Đối với ma quỷ, vốn miễn cưỡng bộc lộ mình, việc tiết lộ mình ra là một thất bại; dù khi nó đã tiết lộ tên nó, thì nó cũng luôn luôn miễn cưỡng lặp lại, ngay cả trong cuộc trừ quỷ tiếp theo. Rồi chúng tôi ra lệnh cho ma quỷ nói có bao nhiêu quỷ hiện diện trong một thể xác đặc thù. Có thể là nhiều hoặc ít, nhưng luôn luôn có một tên thủ lãnh, và nó luôn luôn là quỷ thứ nhất bị xưng tên. Khi quỷ có một cái tên theo Kinh Thánh hoặc tên được đặt theo truyền thống (chẳng hạn, Satan, Beelzebub, Lucifer, Zebulun, Meridian, Asmodeus), chúng tôi phải đối phó với “thứ dữ”, khó đánh bại. Mức độ khó khăn cũng tương quan với cường độ mà ma quỷ nhập một người. Khi có nhiều quỷ hiện diện, thì tên thủ lãnh luôn luôn xuất ra sau cùng.
Sức mạnh của quỷ nhập cũng được biểu lộ ra từ phản ứng của ma quỷ trước các danh thánh. Thường thường ma quỷ không và cũng không thể nói lên những danh thánh này; nó thường thay thế kiểu nói như “Ông ấy” (để ám chỉ Thiên Chúa hoặc Chúa Giêsu) hoặc “Bà ấy” (để chỉ Đức Mẹ). Có lần nó nói “Ông chủ của các ông” hoặc “Đức Bà của các ông”, để chỉ Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nếu trường hợp quỷ ám mạnh mẽ và tên quỷ thuộc đẳng cấp cao (tôi xin nhắc lại là ma quỷ vẫn giữ những đảng cấp như hồi chúng còn là những thiên thần, như ngai thần, lãnh thần, quản thần…) thì chúng dám nói lên tên Thiên Chúa và Mẹ Maria, và luôn luôn kèm theo những lời xúc phạm ghê tởm.
Một số nhà trừ quỷ cho rằng, tôi không biết tại sao, nếu đang trong lúc trừ quỷ, gặp những tên quỷ lắm mồm, chúng sẽ công khai vạch ra hết các tội lỗi của họ. Đó là một quan niệm sai lầm; ma quỷ miễn cưỡng phải nói ra, và khi chúng nói, chúng nói những điều ngớ ngẩn để làm cho nhà trừ quỷ chia trí và lẩn tránh những câu hỏi của ngài. Cũng có trường hợp ngoại lệ. Một hôm cha Candido đã mời một linh mục vốn tự hào về chủ nghĩa hoài nghi của mình, đến tham dự cuộc trừ quỷ. Vị linh mục đã chấp nhận lời mời, nhưng thái độ của ngài có vẻ xem thường; ngài đứng khoanh tay và không đọc kinh như những người có mặt nên đọc, đã vậy lại còn mỉm cười chế diễu nữa. Tới một lúc quỷ quay sang ngài và nói: “Ông nói ông không tin tôi hiện hữu. Nhưng ông tin vào phụ nữ; vâng, ông tin vào phụ nữ, và thế là thế nào!” Vị linh mục bất hạnh lặng lẽ rút lui ra ngoài cửa và biến mất.
Lần khác, ma quỷ tiết lộ tội lỗi nạn nhân để làm cho nhà trừ quỷ khiếp sợ. Cha Candido đang trừ quỷ cho một chàng thanh niên đẹp trai bị một tên quỷ hung dữ nhập, để cố gắng làm cho nhà trừ quỷ phải khiếp sợ, quỷ nói: “Ông không thể thấy rằng ông đang phí thời gian vô ích sao? Người này không bao giờ cầu nguyện”. Rồi quỷ tiếp tục kể ra một danh sách dài đủ thứ tội lỗi xấu xa của người đó. Lúc cuối cuộc trừ quỷ, cha Candido đã uổng công cố gắng thuyết phục chàng trai xưng hết các tội. Rất cần thiết phải lôi kéo anh ta về xưng tội, vì anh ta cứ bảo mình chẳng có tội gì để xưng. Cha Candido hỏi: “Nhưng chẳng lẽ anh không phạm điều này điều kia sao?” Không chối được nữa, chàng thanh niên đáng thương đã bắt buộc thừa nhận những vi phạm của mình. Khi vị giải tôi tiếp tục kể ra một danh sách các tội đã được quỷ nói cho cha biết, chàng ta nhìn nhận hết từng tội. Sau khi lãnh nhận phép xá giải, chàng ra về, vừa lẩm bẩm: “Tôi không hiểu gì nữa! Các linh mục này biết hết mọi thứ!”
Sách Nghi thức gợi ý nên hỏi những câu hỏi khác liên quan đến thời gian quỷ nhập bao lâu rồi, động lực xui khiến, và các chủ đề khác tương tự. Tôi sẽ đề cập đến sau lý do tại sao chúng ta phải hành xử trong trường hợp bùa ngải và những câu hỏi nào phải hỏi. Chúng ta cũng đừng quên rằng ma quỷ là cha sự dối trá. Nó thoải mái tố cáo người này hoặc người khác để gây nên sự nghi ngờ và thù hằn; các câu trả lời của nó phải được xem xét lại kỹ lưỡng. Tôi sẽ chỉ nói rằng việc hỏi ma quỷ chung chung thì không quan trọng lắm. Chẳng hạn, thường khi ma quỷ thấy nó dần bị mất sức mạnh, nó hứa hẹn thời điểm xuất ra, nhưng rồi nó lại chần chừ kéo dài mãi. Một nhà trừ quỷ đầy kinh nghiệm như cha Candido thường có thể đoán được không chỉ loại quỷ ám, mà còn cả tên của chúng nữa; do đó ngài không hỏi nhiều câu hỏi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng ngài hỏi tên của quỷ chỉ để được nó nói: “Ông biết rồi còn gì!” và đó là sự thật.
Trong các trường hợp những cuộc quỷ nhập mạnh mẽ, quỷ có thể tự ý nói để làm cho nhà trù quỷ thất đảm. Nhiều lần quỷ đã nói với tôi: “Ông không thể làm bất cứ sự gì chống lại tôi được đâu?” “Đây là nhà của tôi mà; tôi thích ở đây, và tôi sẽ cứ ở đây, “Ông chỉ mất thời giờ vô ích thôi”. Những lần khác nó đe dọa tôi: “Tôi sẽ ăn quả tim ông!” “Tối nay tôi sẽ làm cho ông kinh hãi đến nỗi ông sẽ không thể chợp mắt được.” “Tôi sẽ vào giường của ông giống như một con rắn.” “Tôi sẽ ném ông ra khỏi giường.” Rồi sau khi đương đầu với câu trả lời của tôi nó liền im lặng chẳng hạn, khi tôi nói: “Tao được bao bọc bởi áo Đức Bà, mày làm gì được tao?” hoặc “Đức Tổng Thần Gabriel là Đấng che chở tao; mày cứ thử chiến đấu với Ngài xem!” hoặc “Thiên thần bản mệnh của tao canh chừng tao, mày đừng hòng chạm đến tao, mày không thể làm hại tao được,” ma quỷ chỉ im lặng.
Nhà trừ quỷ luôn luôn có thể tìm thấy điểm yếu đặc biệt. Một số quỷ không thể chịu nổi việc vạch dấu Thánh giá với dây Stola trên phần thân thể bị đau của nạn nhân; một số không thể chịu được hơi thở thổi vào mặt; số khác bằng tất cả sức lực chống lại việc làm phép với nước thánh. Rồi có một số câu trong những lời nguyện trừ quỷ mà ma quỷ phản ứng mạnh mẽ hoặc bằng sức đang yếu dần. Về điểm này, như sách Nghi thức có gợi ý, nhà trừ quỷ sẽ lặp đi lặp lại những câu này. Kéo dài, vắn thế nào tùy theo phán đoán của linh mục. Thường sự có mặt của bác sĩ cũng có ích không chỉ để cho việc chẩn đoán ban đầu nhưng cũng để trợ giúp xác định thời gian của việc trừ quỷ nữa. Khi người bị nhập hoặc nhà trừ quỷ cảm thấy yếu mệt quá, bác sĩ là người sẽ cho họ lời khuyên khi nào nên ngưng nghỉ. Nhà trừ quỷ cũng có thể xác định khi nào nên ngừng.
3. Gần đến lúc ma quỷ xuất ra. Đây là lúc khó khăn và phức tạp, cũng có thể mất một thời gian dài. Đôi khi ma quỷ tỏ ra cho thấy nó đã mất sức, nhưng trong những hoàn cảnh khác nó cố gắng tung ra những đợt tấn công cuối cùng. Trong trường hợp một cơn bệnh thông thường, chúng tôi thường nhận thấy rằng bệnh nhân tiến bộ dần dần cho tới khi khỏi hẳn. Mặt khác, trong trường hợp bị quỷ ám, hầu hết thường xảy ra trái ngược hẳn; bệnh nhân thường cảm thấy sự tồi tệ cứ gia tăng đến khi không còn có thể chịu được nữa thì đó lại là lúc họ được chữa lành.
Đối với một tên quỷ, việc lìa bỏ một thân xác và đi vào hỏa ngục – nơi mà nó hầu như luôn luôn bị đoạ phạt – thì có nghĩa là chết vĩnh viễn và mất mọi khả năng tích cực quấy nhiễu người ta. Nó biểu lộ sự thất vọng này trong suốt những cuộc trừ quỷ với những lời như sau: “Tôi chết! Tôi chết mất!” “Tôi không chịu nổi nữa rồi” “Đủ rồi, ông đang giết tôi!,, “Ông là tên sát nhân, tên lý hình. Tất cả các linh mục là những tên sát nhân!” Và những lời tương tự. Trái lại, ở lúc bắt đầu cuộc trừ quỷ nó thường nói: “Ông không thể làm gì được tôi đâu”; bây giờ nó nói: “Ông đã giết tôi, ông đã chiến thắng.” Ở lúc bắt đầu nó nói rằng nó không bao giờ ra khỏi, vì nó được hoàn toàn sung sướng trong một thể xác riêng biệt; bây giờ nó kêu nó cảm thấy yếu và muốn ra. Thực sự mỗi cuộc trừ quỷ giống như dùng gậy đập vào tên quỷ vậy. Nó phải chịu đau khổ rất nhiều và đồng thời nó cũng gây yếu đau cho người mà nó ám. Nó cũng thừa nhận rằng thà nó vào hỏa ngục còn dễ chịu hơn là trong thời gian đang trừ quỷ. Một lần, trong khi cha Candido đang trừ quỷ cho một người, gần tới lúc giải thoát, tên quỷ nói toạc ra với ngài: “Ông nghĩ rang tôi sẽ rời bỏ chỗ này nếu điều này không tồi tệ hơn chịu đau khổ trong hỏa ngục sao? Việc trừ quỷ đã trở nên thực sự không thể chịu nổi cho nó.
Chúng ta phải nhớ thêm một điều nữa để giúp đỡ người đang tiến gần tới lúc giải thoát; ma quỷ cố gắng truyền những điều nó cảm thấy cho người bị nhập. Ma quỷ không thể chịu đựng lâu hơn được nữa, và nó truyền tình trạng thất vọng này cho nạn nhân của nó; nó cảm thấy gần đến hồi kết thúc đời sống của nó, không thể lý luận hợp lý, và nó truyền cảm giác khùng điên và cận tử cho người bị nhập. Những người này thường hay xin tôi: “Hãy nói thật cho tôi, tôi điên phải không?” Việc trừ quỷ trở nên khó khăn hơn cho nạn nhân, và nếu không ai ép họ phải giữ đúng hẹn, họ sẽ không đi. Thỉnh thoảng có những người đã gần hoặc rất gần giai đoạn được giải thoát lại ngừng luôn việc đi đến với nhà trừ quỷ. Những “bệnh nhân” này thường phải được giúp đỡ để cầu nguyện và đi nhà thờ, bởi vì họ không thể tự mình làm việc đó. Họ cũng cần được giúp đỡ để hoàn tất cuộc trừ quỷ. Họ phải được khích lệ liên lỉ, đặc biệt trong những giai đoạn cuối.
Chắc chắn số thời gian cần có trước khi được giải thoát đã góp phần làm cho nạn nhân chán nản và kiệt quệ về thể lý. Nạn nhân cảm thấy rằng các bệnh của họ không thể chữa được. Đôi khi ma quỷ cũng có thể gây ra những bệnh nạn thực về thể lý nhưng chủ yếu là tâm lý, tuy vậy nạn nhân cần phải được chăm sóc về mặt y khoa sau khi được giải thoát. Có những trường hợp việc chữa lành được hoàn tất và không đòi hỏi thêm gì nữa.
4. Sau khi được giải thoát. Điều rất quan trọng là đừng giảm bớt cầu nguyện, chịu các bí tích, và sống một đời sống Kitô giáo. Việc thỉnh thoảng được trừ quỷ lại cũng rất có lợi bởi vì ma quỷ cũng thường hay lặp lại những cuộc tấn công và cố gắng trở lại; tốt nhất là đừng để một cửa ngõ nào cho nó trở lại. Chúng ta có thể gọi đây là một giai đoạn tập trung nỗ lực để bảo vệ cho cuộc giải thoát được thành công. Thỉnh thoảng một số trong các “bệnh nhân” của tôi đã trải nghiệm sự trở lại này. Khi không sống phóng túng, nghĩa là họ vẫn duy trì một đời sống thiêng liêng mãnh liệt, thì việc giải thoát lần thứ hai sẽ dễ dàng. Tuy nhiên, khi quỷ trở lại là do người ấy thiếu cầu nguyện, hoặc tệ hơn nữa, lại đang sa vào những tội lỗi quen phạm, thì sự ám trở nên tồi tệ hơn trước, như Tin Mừng Matthêu 12,42- 45 đã miêu tả. Quỷ sẽ trở lại với bảy quỷ dữ tợn hơn nó.
Đến đây tôi chắc chắn độc giả đã nhận ra rằng ma quỷ cố gắng hết sức để che dấu sự hiện diện của nó. Đây là một trong những sự kiện giúp phân biệt giữa sự bị quỷ ám và những vấn đề tâm lý. Với trường hợp sau, thường bệnh nhân làm hết cách để kéo sự chú ý. Trái lại ma quỷ hành động rất cẩn thận để ẩn mình.
Lm. Gabriele Amorth
(Trích mục §9 trong cuốn “An Exorcist Tell His Story”
(Nhà trừ quỷ kể chuyện)