Một truyền thống cổ xưa gắn kết Gongotha với tội lỗi đầu tiên của con người. Nơi này được biết đến với nhiều tên gọi – Gongotha, Canvê, Núi Sọ.
Bất kể người ta gọi tên ngọn đồi đó là gì, tầm quan trọng của địa điểm diễn ra Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô vẫn là điều không thể diễn tả nổi đối với những người tin theo Ngài. Đối với nhiều người hành hương, việc dành thời gian cầu nguyện tại địa điểm mà cây Thánh Giá của Đức Kitô được dựng lên và nơi Đấng Cứu Chuộc chúng ta trút hơi thở cuối cùng là một trải nghiệm mãnh liệt và có sức thay đổi vô cùng.
Tuy nhiên, có một ý nghĩa khác đối với địa điểm diễn ra Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, được ám chỉ trong cái tên “Núi Sọ”.
Bên dưới chân núi Canvê có một nhà nguyện nhỏ, nhà nguyện này không không phải để kính Chúa Kitô hay Cuộc Khổ Nạn của Ngài, mà dành riêng cho nguyên tổ Ađam. Theo truyền thống, “Nhà nguyện của nguyên tổ Ađam” này là nơi an nghỉ cuối cùng trên trái đất của ông.
Vì vậy, Gongotha được gọi là Núi Sọ không chỉ vì màu trắng như xương của nó, mà còn vì vị trí của nó là nơi cất giữ thánh tích của chính Ađam. Truyền thống còn giải thích thêm rằng, vào thời điểm Đức Kitô chịu khổ nạn, máu từ vết thương của Ngài đã rỉ xuống, phủ lên hài cốt của Ađam.
Biểu tượng của sự kết hợp hài cốt của con người sa ngã và máu của Đấng Cứu Thế không khó để nhận ra – nó nhắc nhở chúng ta rằng chính qua Máu của Đức Kitô, chúng ta được phủ lên sự sống mới. Hơn nữa, truyền thống này đóng vai trò là một minh họa tuyệt đẹp về Chúa Kitô là Ađam mới. Việc phủ lên hộp sọ của Ađam, biểu tượng hình hài của con người sa ngã, bằng máu hy tế của Con Chiên tạo ra một hình ảnh mới, gợi nhớ đến lời của Thánh Phaolô: “Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (1 Cr 15,49).
Nói cách khác, vào thời điểm Chúa Kitô chịu khổ nạn, máu của Ngài chảy xuống từ Thập giá đã chảy đến đầu của Ađam, nói lên ơn cứu độ của Ngài dành cho cả nhân loại phạm tội mà Ađam là đại diện.
Chính vì Gongotha được tin là nơi chôn cất con người đầu tiên nên các hình ảnh mô tả cái chết của Đấng Cứu Thế cũng thường có biểu tượng hộp sọ dưới chân Thập giá. Đó là hộp sọ của Ađam, cha của nhân loại, cũng là biểu tượng cho ngọn núi nơi mà Chúa chịu đóng đinh có tên.
Khi chiêm nghiệm về ý nghĩa của biểu tượng này, chúng ta nhớ đến sự mất mát lớn lao do Ađam gây ra, và chiến thắng lớn hơn do Đức Kitô mang lại tại Núi Sọ, biến sự sa ngã của Ađam thành “tội hồng phúc”.
Evan Holguin | Lm Nam An biên dịch