NGUỒN TÀI LIỆU CỦA CHÚNG TÔI
Hơn bao giờ hết, chúng tôi cảm thấy cần phải đưa ra những nguồn tài liệu mà chúng tôi dùng để tường thuật những câu chuyện dường như không có thực mà chúng tôi sẽ trình bày trong chương này.
Trước hết là tác phẩm Le possédé qui glorifia L’Immaculée (Người bị quỷ nhập làm rạng danh Đức Mẹ Vô Nhiễm). Đề tựa cuốn sách quả hơi khó hiểu. Tác giả là J.H. Gruninger, người Lyon, là chỗ quen biết với chúng tôi, đã viết cuốn đó năm 1952 nói về cuộc đời đau khổ của Antoine Gay. Để viết cuốn này, ông mượn tài liệu trong một số cuốn sách mỏng của Victor de Stenay, xuất bản năm 1896 tại nhà của Delhomme và Briguet ở Lyon. V. Stenay là tên tác giả của ông Blanc, chủ tịch của hội Saint-Francis-de-Sales ở Lyon. Để viết cuốn sách mỏng này, ông Blanc đã dựa theo cuốn sổ ghi chép của ông Houzelot, một nhà điêu khắc ở Paris. Công việc của ông khiến ông thường có ở Lyon cả một lô thư từ, biên bản và các bản tường trình do chính ông sưu tập liên quan tới trường hợp quỷ nhập của Antoine Gay, đến cuộc đời cha Chiron, là người đã hết sức chăm sóc Gay, do cha Zophyrin Gandon viết, và cả những ghi nhớ cũng như các chứng tá của rất nhiều người đã quen biết Antoine Gay.
Người ta đã từng say sưa tranh luận về trường hợp của Gay. Rất nhiều nhân chứng cho rằng việc ông bị quỷ nhập không còn gì phải nghi ngờ nữa, cần phải làm phép trừ quỷ để chữa cho ông. Nhưng vẫn có những nghi ngờ, bài bác sinh ra đến nỗi giáo quyền không làm phép trừ quỷ cho ông. Có những lý lẽ rất rõ ràng để tin rằng điều đó sẽ không xảy ra nếu không có phép đặc biệt của Thiên Chúa. Tác giả – của tác phẩm mà chúng ta sẽ phân tích – tin chắc rằng những thử thách của Antoine Gay có lý do của nó, lý do đó là cái mà trong trường hợp của Hélène Poirer chúng tôi gọi là “có mục đích tính” (finalité).
Có thể nói rằng trong một thời đại mà con người hay nghi ngờ và cứng lòng tin, thì mục đích của trường hợp Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức với Bernadette chẳng hạn là để chứng tỏ cho con người thấy có thế giới siêu nhiên, đồng thời để đáp lại câu nói của Baudelaire vẫn hay được trưng dẫn và nhắc lại: “Cái quỷ quyệt nhất của ma quỷ là làm cho chúng ta tin rằng nó không hiện hữu”.
Sự quỷ quyệt này có hại cho chúng ta. Ma quỷ không muốn gì khác hơn là được hoạt động giữa loài người mà loải người không biết nó hiện diện hay hoạt động gì cả. Nhưng Thiên Chúa không cho phép ma quỷ làm được điều đó. Ngài ra lệnh cho nó phải lộ mặt ra bất chấp nó muốn hay không. Những sự kiện chúng tôi tường thuật trong cuốn sách này là những bằng chứng xác nhận điều đó.
TIỀN SỬ
Antoine Gay sinh ngày 31/5/1790 tại Lantenay thuộc tỉnh Ain. Ông được rửa tội ngay hôm sau và qua chứng thư rửa tội của ông, chúng tôi được biết cha ông là một viên thư lại của nhà vua tại Lantenay, một làng nhỏ của xã Brénod, quận Nantua. Khi còn nhỏ, ông được học rất ít, nhưng lớn lên ông lại trở thành một tay thợ mộc cừ khôi, và sau thời gian quân dịch dưới thời Napoléon I, ông định cư ở Lyon. Ông là một người khá điển trai, cao lớn, tóc nâu, gương mặt hiền dịu với những nét đều đặn và bình thản. Trên quan điểm tôn giáo, có thể nói rằng những khủng hoảng do cuộc cách mạng 1789 gây ra không ảnh hưởng gì tới ông. Ông rất đạo đức, ngay từ thời niên thiếu ông đã có ý định đi tu. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ý định đó đã được thực hiện rất trễ: Lúc ông được 46 tuổi, tức năm 1836, ông mới vào tu viện Trappe ở Aiguebelle. Tại đó ông được làm một thầy dòng trợ sĩ (frère-convers). Nhưng ông không được ở lại tu viện nữa khi ông mắc một chứng bệnh tâm thần mà người ta không xác định ngay được bản chất đích thực của nó. Những người quen biết với Antoine Gay sau này tin chắc rằng bệnh tâm thần của ông không gì khác hơn là bệnh quỷ nhập. Một hôm con quỷ ở trong ông thú nhận rằng nó đã cư ngụ trong con người ông trên 15 năm mà không ai hay biết, chính đương sự cũng không biết gì hơn ai.
Tuy nhiên, từ khi ra khỏi tu viện Trappe, những dấu hiệu bị quỷ nhập đã lộ ra nhiều lần rõ rệt. Năm 1837, Antoine Gay đã hết sức đau khổ, vì biết có ma quỷ đang ở trong người ông.
CÁC BẰNG CHỨNG
Đương nhiên chúng tôi sẽ đưa ra những bằng chứng ngay. Tài liệu của chúng tôi viết thế nào thì chúng tôi trình bày như vậy.
Trước hết, chúng tôi có biên bản sau đây được ghi trong tác phẩm của Gruninger. Biên bản này do cha Burnoud, cựu bề trên Tu hội thừa sai ở La Salette, gửi lên cho Đức Cha Ginoulhiac, lúc đó là Giám mục Grenoble:
“Trong ba buổi họp kéo dài từ một đến hai tiếng, chúng tôi bàn luận để cứu xét về trường hợp của ông Gay, người Lyon. Chúng tôi cho rằng rất có thể ông ta bị quỷ nhập. Ý kiến của chúng tôi:
1. Căn cứ trên sự việc là ông đã nói cho chúng tôi nhiều điều bí mật mà con người không thể nào biết được.
2. Căn cứ trên những dấu hiệu bên ngoài là ông ta không đồng ý khi chúng tôi đọc một vài công thức và lời nguyện trong Sách Các Phép “bằng tiếng Latinh”. Chắc chắn là ông Gay không biết tiếng Latinh, nên khi cứu xét những hoàn cảnh đã khiến ông ta vặn vẹo người, chúng tôi chỉ có thể cho rằng những vặn vẹo đó là do sự hiện diện của một trí tuệ cao hơn, hay của một cái gì siêu nhiên trong đó.
3. Căn cứ trên một vài câu trả lời của ông ta khi chúng tôi hỏi bằng tiếng Latinh. Những câu hỏi đó cho chúng tôi thấy cái trí tuệ đang trả lời chúng tôi bằng tiếng Pháp qua miệng của ông Gay.
4. Căn cứ trên rất nhiều biên bản đã được viết bởi những người đáng kính và đáng tin, tất cả đều chứng nhận ông Gay có một đức tin vững chắc, là người đức hạnh và chân thật. Nếu những lời chứng đó là xác thực, thì ông Gay đã không đóng kịch như thế. Và như vậy là ông ta bị quỷ nhập”.
Tuy nhiên, người ta lưu ý điều này là trong biên bản, cha Burnoud chỉ kết luận với một “xác suất” rất lớn thôi. Tuy vậy, cha vẫn tiếp tục công việc của mình. Trong một lá thư của ông Houzelot viết cho ông Blanc, có những dòng chữ này: “Tôi có gặp cha Burnoud khi cha làm quản hạt ở Vinay. Cha tuyên bố với tôi rằng: Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng trường hợp của ông Gay, cha quả quyết rằng ông ta thực sự bị quỷ nhập”.
BIÊN BẢN Y KHOA
Và đây là một biên bản do một y sĩ viết, đề ngày 12/11/1843, và mang chữ ký của bác sĩ Pictet:
“Chúng tôi ký tên dưới đây là Bác sĩ Y khoa, ngụ tại đường Croix-Rousse, chứng nhận rằng ông Gay đã được cha Collet và cha Nicod, cha sở ở thành phố này, đưa tới để chúng tôi khám bệnh, theo lời thỉnh cầu của Đức Hồng y Tổng Giám mục Lyon. Sau bốn tháng khám nghiệm hằng ngày một cách rất thận trọng, trong tất cả mọi hoàn cảnh và vào bất kỳ giờ giấc nào, như ở nhà thờ, trong thánh lễ, khi cùng đi chặng đàng Thánh giá với ông, khi nói chuyện công khai và riêng tư, tại bàn ăn, lúc đi đường… chúng tôi không thể tìm ra một biến chứng nhỏ nhất nào về thể lý cũng như tâm lý. Trái lại, ông ta có một sức khoẻ hoàn toàn cả thể chất lẫn tinh thần, có phán đoán và lý trí chính xác ít thấy, điều đó chứng tỏ ông không có một biến chứng nhỏ nào, ngay cả khi có những khủng hoảng lạ thường xảy ra một cách bất ngờ và thường xuyên trong con người ông ta. Những khủng hoảng đó phát sinh từ một nguyên nhân huyền bí không thể giải thích một cách tự nhiên bằng những phương tiện khoa học của chúng tôi. Chính cái hữu thể huyền bí đó đã hoạt động bằng thể xác của ông, nói bằng miệng của ông, độc lập với ý muốn của ông.
Ngoài ra, chúng tôi xác nhận rằng: Khi đã tự đặt mình vào địa vị của ông Gay, tự đồng hoá với ông, bằng cầu nguyện, bằng việc dẹp bỏ chính mình, tạm gác qua một bên khoa học cũng như lý trí của mình, để cầu xin Chúa Thánh Thần trợ giúp, thì chúng tôi vẫn tin chắc rằng cái tình trạng lạ thường ấy chỉ có thể là chứng quỷ nhập. Và chúng tôi càng tin chắc điều đó hơn khi gặp riêng ông Gay lần đầu tiên, lần đó cái trí tuệ lạ thường ấy nói với chúng tôi bằng miệng của ông, biết rõ tận đáy lương tâm của chúng tôi, nói lai lịch đời sống chúng tôi từ năm 12 tuổi, nói cho chúng tôi nghe những chuyện riêng tư mà chỉ có Thiên Chúa, cha giải tội và chúng tôi biết với nhau thôi. Và chúng tôi làm chứng rằng sự việc này đã xảy ra nhiều lần như thế với nhiều người khác nữa, trong số đó có nhiều người đã trở lại đạo”.
TẠI SAO LẠI KHÔNG TRỪ QUỶ CHO ÔNG GAY?
Với một biên bản rõ ràng như thế, người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy Toà Tổng Giám mục Lyon lại không kết luận rằng phải làm phép trừ quỷ cho ông ta. Thật vậy, bất chấp mọi xác nhận, giáo quyền không bao giờ trừ quỷ cho ông cả. Khi xét những hoàn cảnh đã xảy ra, người ta bó buộc phải giả thiết rằng Thiên Chúa không muốn cho quỷ xuất ra khỏi nạn nhân. Quả thật, con quỷ chính cư ngụ trong cơ thể ông Gay luôn luôn khẳng định như thế. Nó không ngừng tuyên bố, chắc chắn là có chút ít huênh hoang đúng như bản tính của nó, rằng: “Trường hợp quỷ nhập này là lạ thường nhất chưa từng xảy ra bao giờ”.
Lạ thường ở chỗ nào? Ở chỗ quỷ trong thân xác đó để làm theo lệnh của Chúa, người ta có thể nói như thế. Nó vâng lời Thiên Chúa, và chính vì thế mà Thiên Chúa không cho phép con người đuổi nó ra.
Trong một lá thư của ông Houzelot gửi cho ông Blanc mà chúng tôi đã trưng dẫn, có viết: “Tôi thấy các linh mục đặt ra những câu hỏi rất khúc mắc cho ma quỷ, thế mà nó giải đáp được ngay tức khắc. Chính các linh mục thú nhận như vậy… Tôi thấy con quỷ khóc lóc khi nó bị ép buộc phải khai ra những sự thật của đạo Chúa Giêsu Kitô, hoặc phải cho biết những ý kiến hay những bằng chứng về quỷ nhập. Nó nói: ‘Nỗi đau khổ lớn nhất mà Thiên Chúa có thể gây ra cho ta là bắt buộc ta phải phá huỷ công trình của mình'”.
Vì thế người ta biết chắc chắn rằng Thiên Chúa không bao giờ cho phép trừ quỷ trong trường hợp này. Có thể nói rằng, khi một con quỷ bị bắt buộc ở trong một thân xác để vâng lời Thiên Chúa toàn năng, thì Thiên Chúa thật bất công nếu Ngài bắt nó phải chịu đau khổ vì phép trừ quỷ.
Dẫu sao, sự thật vẫn là ông Gay không bao giờ được trừ quỷ, đang khi tất cả những người sống chung quanh ông có đủ bằng chứng không thể chối cãi rằng ông bị quỷ nhập.
MỘT VÀI DIỄN BIẾN
Đừng tưởng rằng những nhân chứng có thẩm quyền về hiện tượng tâm linh dị thường này không ưa Antoine Gay, hay coi thường ông. Trái lại, người ta tin chắc rằng ông rất đạo hạnh và có nhiều công đức, biên bản của bác sĩ Pictet là một bằng chứng. Vào mùa thu năm 1843, bạn bè của ông Gay đưa ông về tu viện Trappe ở Aiguebelle, nơi ông đã từng sống 7 năm về trước. Trước tiên, người ta xin cha Tu viện trưởng trừ quỷ cho ông, nhưng ngài không nhận làm, lấy cớ rằng ngài thuộc giáo phận Valence đang khi ông Gay thuộc giáo phận Lyon. Tuy vậy, cha Tu viện trưởng vẫn tin chắc rằng ông bị quỷ nhập, nên gửi ông tới người bạn của ngài làm tuyên uý cho các Frère Privas, thuộc Giáo phận Viviers kế bên. Gay ở đó 22 ngày. Thời gian này, ông đã tỏ ra rất nhiều dấu hiệu bị quỷ nhập. Nhưng cuối cùng ông lại phải trở về Lyon mà không hề được ai trừ quỷ cho.
Từ 1844 đến 1847, người ta thấy ông trong thành phố này, ở số 72 đường Macchabées, gần nhà thờ thánh Irénée. Thỉnh thoảng, người ta thấy ông lang thang trên các công viên, khua chân múa tay và nói những lời kỳ cục. Một hôm, vì bị tố giác là điên, ông bị đưa tới bệnh viện tâm thần Antiquaille và ở đó 3 tháng. Nhưng nhờ sự can thiệp tốt bụng của Bossan, một kiến trúc sư tương lai, nổi tiếng ở Fourvière, mà ông được ra khỏi đó. Nhưng vẫn chưa được trừ quỷ. Năm 1845, có hai linh mục đáng kính đã tận tình giới thiệu ông Gay lên Đức Tổng Giám mục là Hồng y Bonald. Ngài đón tiếp ông rất nồng hậu, và hứa sẽ cứu xét vấn đề một cách ân cần. Nhưng không hiểu tại sao, sự việc lại ngưng tại đó, không có gì khả quan hơn.
CHA CHIRON
Cuộc đời Antoine Gay bắt đầu một khúc quanh khi ông có người bảo hộ mới. Đó là cha Marie-Joseph Chiron, một linh mục thánh thiện, mà cuộc đời đã được linh mục Zéphyrin Gandon viết thành sách, với lời tựa của Đức Cha Hurault, Giám mục Viviers.
Cha Chiron là người luôn luôn được Giáo phận Viviers nhắc tới với lòng kính mến. Cha được chỉ định đặc biệt phụ trách trường hợp của Gay. Vì cha đã thành lập một hội chuyên chăm nom săn sóc những người mắc bệnh tâm thần. Cha không bao giờ cho rằng Gay bị điên cả, mà chắc chắn ông bị quỷ nhập. Và cha quyết định sẽ tận tâm nâng đỡ ông trong mức độ mà Thiên Chúa cho phép.
Thời gian đó, Gay gia nhập dòng ba thánh Phanxicô, lấy tên là Joseph-Marie.
Năm 1850, cha Chiron cùng với ông tới tu viện Vernat-les-Bains ở Giáo phận Perpignan để giới thiệu ông lên Đức Giám mục tại đó hầu xin phép trừ quỷ cho ông, nhưng cuối cùng cũng chẳng được, luôn luôn vì những lý do không được tiết lộ, nhưng chắc chắn là phù hợp với giả thiết mà chúng tôi đã nói: Ma quỷ ở đó là để “vâng theo lệnh Chúa”.
Trong cuộc hành trình này có xảy ra một sự kiện khiến chúng ta biết chút ít về thế giới huyền bí của ma quỷ.
MA QUỶ CÃI NHAU Ở PERPIGNAN
Ở Perpignan, cha Chiron còn phụ trách một phụ nữ bị quỷ nhập đã 20 năm, có 3 đứa con. Cả giáo xứ đều trông thấy chị ta chạy với một tốc độ nhanh kinh khủng, và được nâng lên khỏi mặt đất khoảng 2 bộ (tức khoảng hơn nửa thước).
Đang khi cha Chiron ở trong nhà người phụ nữ kia thì người ta dẫn đến với cha một cô gái đáng thương biệt danh là Chiquette, nhưng tên thực của cô là Francoise. Cô Chiquette 36 tuổi, bị câm. Nhưng con quỷ nhập vào cô tên là Madeste, đâu có câm! Và một cuộc cãi lộn khủng khiếp chưa từng thấy xảy ra giữa Madeste và Isacaron, con quỷ đang ở trong người ông Gay. Đích thân cha Chiron kể lại như sau:
“Madeste vừa gặp Isacaron thì một cuộc đối thoại khủng khiếp nổ ra giữa hai thiên thần sa ngã. Hai con quỷ của hai người quỷ nhập giống như hai con chó điên. Chúng nói với nhau bằng một thứ ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ mà chúng tôi không hiểu gì cả. Về sau, nhờ Isacaron phiên dịch buổi tranh cãi đó, tôi mới biết là chúng cãi nhau vì vấn đề hơn thua, xem trong hai đứa, đứa nào lớn hơn. Chúng nguyền rủa nhục mạ nhau. Hai đứa sẵn sàng đí đến chỗ đánh nhau, khiến tôi phải thường xuyên nhảy vào can thiệp.
Phải nói rằng hai người bị quỷ nhập chưa bao giờ gặp nhau, nhưng hai con quỷ ở trong hai người đó đã biết rõ nhau. Trong những ngày kế tiếp, chúng còn cãi lộn với nhau 6 lần, lần nào cũng khủng khiếp, vẫn nói cái thứ tiếng xa lạ ấy. Nhưng những lần sau có nhiều người chứng kiến”.
Những sự kiện này đã gây cho cha Chiron một ấn tượng rất mạnh. Ít lâu sau, trong một lá thư gửi cho Đức Cha Clermont-Ferrand, cha đã trình bày những sự kiện đó một cách chi tiết và kết luận một cách rất chí lý: “Nếu không có chứng quỷ nhập, thì người ta không thể cắt nghĩa được những sự kiện như thế”.
Chúng tôi cũng hoàn toàn đồng ý như vậy. Nhưng sự việc này xảy ra cho chúng ta thấy không phải lúc nào ma quỷ cũng thực sự hoà thuận với nhau, điều này quả đáng ngạc nhiên!
Antoine Gay và cha bảo trợ của ông lại trở về Lyon chờ đến hết mùa hè để đi La Salette.
THỜI GIAN Ở HỌ ARS
Danh tiếng cha sở họ Ars rất lớn, và họ Ars rất gần với Lyon đến nỗi không thể không ngạc nhiên nếu Antoine Gay không được đem tới trình diện cha sở Ars. Quả thật, năm 1853, ông đã tới Ars và kéo dài cuộc hành hương tại đó 15 ngày. Ông tới đó là do vâng lời Đức Tổng Giám mục Lyon, tức Hồng y Bonald, chính ngài nói với ông Goussard, một trong những người thân thuộc của Gay: “Ông hãy dẫn ông ta tới gặp cha sở họ Ars, và hãy ở lại đó ít ngày với cha”. Ông Houzelot, vốn vẫn luôn luôn lưu tâm tới trường hợp của Gay, cũng đi với ông. Lúc đó là cuối tháng 11. Chúa Nhật kế tiếp là 4/12/1853, họ Ars nhỏ bé này cử hành trọng thể lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Nên nhớ rằng tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội lúc đó chưa được công bố, mà sẽ công bố vào ngày 8.12.1854.
Lúc đó một biến cố bất ngờ xảy ra. Người ta thấy Antoine Gay quỳ gối dưới chân bức tượng Đức Trinh Nữ, tay khoanh lại, mắt đầy lệ. Bỗng từ miệng anh phát ra một tuyên bố long trọng. Hiển nhiên tuyên bố này phải phát xuất từ con quỷ đang ở trong con người anh, vì Antoine Gay không có đủ trình độ thần học để có thể tự phát một bài diễn từ gây ấn tượng mạnh như vậy.
MA QUỶ CA TỤNG ĐỨC MARIA
“Lạy Đức Maria! Lạy Đức Maria! Ngài là tuyệt tác của bàn tay Thiên Chúa, là tác phẩm cao cả nhất mà Thiên Chúa đã tạo nên.
Là thụ tạo vô song, Ngài khiến cho mọi thần dân trên trời phải thán phục. Mọi người đều tôn vinh Ngài, và nhìn nhận Ngài là Mẹ của Đấng Tạo Hóa. Vinh quang của Ngài cao hơn các thiên thần, cao hơn tất cả Triều Thần trên trời. Ngài ngồi gần Thiên Chúa. Ngài là đền thờ của Thiên Chúa. Ngài đã cưu mang trong lòng tất cả những gì mạnh mẽ nhất, cao cả nhất, quyền năng nhất và khả ái nhất!
Ôi Maria! Ngài đã đón nhận Đấng tạo dựng nên Ngài ngay trong cung lòng trinh nữ của Ngài. Ngài là Đấng vừa Đồng Trinh vừa là Mẹ, nên không ai có thể so sánh được với Ngài. Sau Thiên Chúa, Ngài là người cao cả nhất. Ngài là người Phụ Nữ mạnh mẽ. Chỉ một mình Ngài thôi cũng đủ đem lại vinh quang cho Thiên Chúa hơn tất cả mọi thần dân trên trời hợp lại.
Nơi Ngài, không hề có một bợn nhơ. Ước gì tất cả những ai nói rằng Ngài không phải là Trinh Nữ, không phải là Mẹ Thiên Chúa, đều bị nguyền rủa. Ngài là Đấng thụ thai không một tỳ vết. Ngài là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Ôi Maria! Tôi ca tụng Ngài! Nhưng tất cả những lời ca tụng Ngài đều bay lên tới Thiên Chúa là tác giả của mọi sự thiện hảo! Sau trái tim của Người Con chí thánh của Ngài, thì không có gì có thể so sánh được với trái tim của Ngài! Ôi trái tim nhân hậu! Ôi trái tim dịu dàng! Ngài không hề bỏ rơi những kẻ vô ơn nhất, những kẻ tội lỗi nhất trong đám người hay chết này! Trái Tim Ngài đầy ngọt ngào đối với những người khốn nạn chỉ xứng đáng chịu hình phạt. Chính Ngài đã nhận lãnh cho họ ân huệ và tình thương xót! Những kẻ tội lỗi ghê tởm nhờ Ngài mà ăn năn hối cải.
Ôi! Phải chi những người sống trên trái đất này nhận biết Ngài! Phải chi họ cảm mến được sự âu yếm, quyền năng, lòng nhân hậu của Ngài, thì không một người nào bị hư mất! Tất cả những ai chạy đến với Ngài với hết lòng trông cậy, và liên tục cầu khẩn Ngài thì bất kỳ họ ở trong tình trạng nào, thì Ngài cũng cứu họ và chúc lành cho họ muôn đời… Tôi bị bắt buộc phải hạ mình dưới chân Ngài và xin lỗi Ngài về tất cả những sỉ nhục mà tôi đã bắt nạn nhân này phải chịu đựng!
Hôm nay là một trong những ngày lễ long trọng nhất của Ngài hằng năm. Tôi xin thú nhận rằng Con Chí Thánh của Ngài đã buộc tôi phải nói rằng ngày lễ này là ngày lễ long trọng nhất trong tất cả các ngày lễ mừng kính Ngài“.
Isacaron, con quỷ ô uế, đã nói như thế qua miệng của Antoine Gay. Lời lẽ của nó đã được ông Houzelot ghi lại, và nhờ ông mà chúng tôi có được những lời lẽ ấy. Và sau khi con quỷ bị bắt buộc phải tuyên xưng như thế, chúng tôi hiểu rõ hơn rằng: 5 năm sau, khi được cô Bernadette hỏi tên, Đức Maria đã nói: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.
Cha Toccanier là người phụ tá cho cha sở họ Ars cũng có mặt lúc Isacaron tuyên xưng những lời tán tụng Đức Maria đáng ghi nhớ ấy.
Ông Houzelot nảy ra ý nghĩ yêu cầu con quỷ đọc lại chậm hơn những gì nó vừa nói để ông ghi lại, và Isacaron đồng ý. Cha Toccanier không thể giấu được xúc động: Cha nói với những người có mặt tại đó về bài tuyên xưng ấy của ma quỷ: “Người ta không thể tìm thấy một diễn từ hay như vậy ngoài những tác phẩm của các Giáo Phụ”. Cuối cùng, cha muốn tranh luận thần học với con quỷ này một cách nghiêm chỉnh vào một hôm khác, và cha vẫn còn ngạc nhiên về những câu trả lời đầy quả quyết của ma quỷ trong một thứ thần học hoàn toàn chính thống của Giáo Hội.
VẪN CHƯA ĐƯỢC TRỪ QUỶ
Chúng ta đừng quên rằng Antoine Gay đến Ars để được giải phóng khỏi nỗi đau khổ của mình. Cha sở thánh thiện ở Ars có những quyền năng mà ngài đã từng áp dụng trên người khác như ta đã thấy trong một chương trước, liệu ngài có sử dụng quyền năng ấy trên Antoine Gay không?
Hôm đó, cha Vianney phải tiếp rất nhiều khách nên rất khó gặp ngài. Dầu vậy, Antoine Gay vẫn được đưa đến gặp ngài nhiều lần. Ngài kêu người ta dẫn ông vào nhà xứ. Một buổi chiều, trong phòng riêng, cha sở bỗng nhiên thấy Antoine Gay sấp mình xuống dưới chân ngài như thể có một quyền năng vô hình nào đó thình lình vật ông ta xuống. Nhưng đồng thời ông ta đưa quả đấm ra và nói với ngài bằng một giọng đe dọa: “Vianney! Mi là một tên ăn trộm! Mi đã cướp khỏi tay chúng ta những linh hồn mà chúng ta đã mất bao nhiêu công lao cám dỗ!”
Nghe những lời ấy, cha sở thánh thiện chỉ làm trên đầu Gay một dấu Thánh giá rất lớn. Ngài nghe thấy con quỷ thốt ra một tiếng kêu giận dữ.
Tuy nhiên, ngài đã quyết định phải làm phép trừ quỷ cho Gay. Vì cha sở tin rằng ngài phải có bổn phận đối với mọi người bị quỷ nhập. Vì thế, theo lời yêu cầu của ngài, cha Goussard đã trở về Lyon để xin Đức Hồng y Bonald cho phép trừ quỷ. Đức Hồng Y Tổng Giám mục trả lời: “Cha sở Ars không cần phải xin phép tôi. Ngài đương nhiên biết rằng tôi phải cho phép ngài. Hay là lúc đó ngài muốn xin với Đức Cha địa phận Belley”.
Không chậm trễ, cha Toccanier viết thư cho Đức Cha Chalandon, lúc đó làm Giám mục Belley. Đức Cha vội vàng cho phép ngay. Tuy nhiên, việc trừ quỷ lại một lần nữa bị hoãn lại, và cuối cùng bị huỷ bỏ. Tại sao? Cha sở Ars nghĩ rằng tốt hơn nên làm phép trừ quỷ một cách rất trang trọng ở Fourvière, tại đền thờ Đức Trinh Nữ.
Nhưng thời gian trôi qua mà không có một quyết định nào về việc này cả. Antoine Gay lại được đưa về Lyon mà vẫn chưa được giải phóng khỏi người bạn đồng hành bất dắc dĩ kia. Cho tới bây giờ, người ta không khỏi nghĩ rằng Thiên Chúa không muốn giải phóng cho người bị quỷ nhập này vì 2 lý do: Thứ nhất là qua sự thử thách này, Antoine Gay không ngừng được thánh hóa, và thứ hai là con quỷ ở trong ông phải hoàn tất bổn phận đã được áp đặt cho nó. Chúng ta hãy xét cái lý do thứ hai trước đã.
MỘT TRANG SÁCH CỦA THÁNH GRIGNON DE MONFORT
Nhiều người ngạc nhiên khi thấy một con quỷ như con quỷ đã nhập vào Antoine Gay bị bó buộc phải khiêm nhượng, tại Ars hay bao nhiêu lần nữa ở những nơi khác, suốt 40 năm hiện diện trong con người đau khổ này: tại Ars, nó phải ca tụng Đức Trinh Nữ một cách rất long trọng. Tất cả những điều đó khiến ta nhớ lại trang sách sau đây của thánh Grignon de Monfort, trong cuốn khảo luận nổi tiếng của ngài Về lòng sùng kính đích thực đối với Đức Trinh Nữ (De la vraie Dévotion à la Sainte Vierge). Khi nói về sự thù nghịch giữa Đức Maria và Satan, thánh nhân viết:
“Thiên Chúa không bao giờ tạo nên một mối thù ghét nào không thể hoà giải được, kéo dài và càng ngày càng gia tăng tới cùng, như mối thù ghét giữa Đức Maria với Satan, giữa con cái và tôi tớ của Đức Trinh Nữ với con cái và những kẻ đồng loã với Lucifer; đến nỗi kẻ thù đáng sợ nhất trong các kẻ thù mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên để chống lại ma quỷ chính là Đức Maria, Mẹ của Thiên Chúa. Ngay trong vườn Địa Đàng, mặc dầu Đức Maria chưa được tạo dựng, ngài mới chỉ có trong ý tưởng của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã gán cho ngài một sự thù ghét lớn lao đối với kẻ thù khốn kiếp của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho ngài biết bao kỷ xảo để khám phá ra sự gian trá của con rắn xưa, biết bao sức mạnh để chiến thắng nó, để quật ngã và đè bẹp sự kiêu căng vô đạo của nó, đến nỗi nó thù ghét ngài không phải chỉ hơn tất cả các thiên thần và loài người, mà theo một ý nghĩa nào đó, còn thù ghét ngài hơn cả Thiên Chúa nữa. Không phải vì cơn giận, sự thù ghét và quyền năng của Thiên Chúa thì vô cùng lớn lao hơn cơn giận, sự thù ghét và quyền năng của Đức Mẹ vì những hoàn hảo đó của Đức Mẹ có giới hạn, mà trước tiên là vì Satan rất kiêu ngạo nên cảm thấy vô cùng đau khổ khi bị chiến thắng và bị phạt bởi một nữ tỳ nhỏ bé và khiêm nhượng của Thiên Chúa, sự khiêm nhượng của ngài còn sỉ nhục nó nhiều hơn là quyền năng của Thiên Chúa; và thứ hai là vì Thiên Chúa đã ban cho Đức Maria một quyền năng chống lại ma quỷ rất to tát đến nỗi chỉ một lời thở than của ngài cũng làm cho chúng sợ hơn là những lời cầu xin của tất cả các thánh, hay chĩ một lời đe doạ của ngài đối với chúng cũng làm cho chúng lo lắng hơn là tất cả những đau khổ khác, chúng đã phải miễn cưỡng thú nhận như vậy qua miệng những người bị quỷ nhập” (Sđd, số 52).
Đó chẳng phải là chính những gì chúng ta vừa nghe qua miệng của Antoine Gay, cũng là miệng mà con quỷ Isacaron dùng để nói sao?
Nhưng chúng ta cần phải nghe chính con quỷ này nói trong chức năng mà Chúa Quan Phòng đã trao cho nó.
CUỘC CHIẾN ĐẤU THÊ THẢM
Rất nhiều người đã từng nghe Antoine Gay nói, và luôn luôn xác nhận rằng họ nhận xét thấy có một sự lưỡng diện kỳ lạ nơi ông. Sự lưỡng diện này không phải chỉ là hai mặt giữa ông ta và con quỷ đã ám ông, mà là giữa những cách nói khác nhau của chính con quỷ.
Người ta phân biệt được dễ dàng giọng nói của Antoine Gay khi nói tự nhiên. Ông ta luôn luôn nói bằng một giọng dịu dàng, hiền hậu, chậm rãi, không bao giờ bỏ thói quen lễ độ của ông.
Trong số ba con quỷ cư ngụ trong người ông, con quỷ chính là Isacaron. Nó nói bằng một giọng cụt ngủn, hống hách, đam mê và uy quyền. Nó xưng mày tao với mọi người, không nể nang ai, không phân biệt ai với ai cả, dẫu là người có phẩm vị cao trong Giáo Hội.
Chỉ trong lời nói của nó, người ta có thể phân biệt được hai âm vực hoàn toàn khác nhau. Khi nó nói với tư cách ma quỷ, thì nó biểu lộ sự tức giận bằng cách nghiến răng, phát ra những lời lộng ngôn kinh tởm. Cần thiết phải xảy ra như thế để người ta phân biệt được ai nói.
Sự xấu xa ghê tởm của nó được phản ảnh trên nét mặt bệnh nhân, khiến cho những người ở gần đều cảm thấy khiếp sợ. Đó là âm vực thứ nhất, âm vực của hoả ngục, người ta có thể gọi như vậy.
Nhưng khi nó phải thi hành cái bổn phận mà Thiên Chúa bắt buộc nó phải làm, nghĩa là khi nó phải nói với tư cách vâng lời Thiên Chúa, và đóng đúng vai trò của nó, thì không phải nó chỉ nói đúng quan niệm chính thống của Giáo Hội, mà còn nói bằng một giọng dịu dàng, trôi chảy, hùng biện, đôi khi rất là tuyệt vời.
Trong cùng một cuộc đối thoại, người ta thấy con quỷ và nạn nhân thay phiên nhau nói, và họ nhận ra một cuộc chiến đấu kinh khủng xảy ra trong tinh thần và tâm hồn của Antoine Gay.
Chẳng hạn như ông ta vừa mới nói, vừa mới than van về tình trạng của mình, biểu lộ những bằng chứng về lòng đạo đức chân thành của mình, thì bỗng nhiên Isacaron chen vào, nói ngay bằng miệng của ông, không có một chuyển tiếp nào cả. Lúc đó, giọng nói đổi ngay, trở thành khàn khàn, và tuôn ra những tiếng kêu la, chửi rủa, thoá mạ. Lời nói đang ngọt ngào khiêm nhượng, bỗng nhiên trở thành chua chát, cay độc, tục tĩu!
MA QUỶ THÚ NHẬN
Những điều đáng ngạc nhiên và ít thấy cho tới lúc đó, là ma quỷ xác nhận về sứ mạng đã được uỷ thác cho nó, mà nó phải chu toàn vì muốn hay không.
Không phải chỉ một lần thoảng qua mà là mười lần mỗi ngày, ma quỷ phải lập đi lập lại tuyên xưng này:
“Ôi! Tôn sư Tối Thượng! Tôi bó buộc phải ca tụng Ngài. Mọi thụ tạo đều bắt buộc phải nhìn nhận Ngài, nhìn nhận quyền năng, lòng nhân từ, và cả sự công bằng khủng khiếp của Ngài!
Tôi đây, Isacaron, thủ lãnh của các quỷ thần ô uế, bó buộc phải theo lệnh của Đấng Tối Cao, đọc cho người ta viết lại tất cả những điều sau đây”.
Trong thời gian này, các thính giả, nhất là ông Houzelot, không ngừng ghi lại những gì con quỷ nói. Và nó lại tiếp tục:
“Vì thế, tôi bị trở thành một công cụ để giáo hoá con người, đang khi tôi hăng say làm cho họ hư mất!
Tôi bó buộc phải nói những điều dường như làm cho những người thông thái nhất phải ngạc nhiên: tôi phải nói với họ về vinh quang của Đấng Toàn Năng, về sự hổ thẹn và ngượng ngập của Hoả ngục.
Đấng mà trước mặt Ngài mọi người trên trời đều phải quỳ gối, ý muốn của Đấng đó là: tôi – quỷ Isacaron, đang chiếm hữu thân xác của Antoine Gay này – tôi phải nói bằng miệng ông ta, hành động bằng tay chân ông ta, tôi nhăn mặt kinh tởm, tôi kêu những tiếng khủng khiếp, tôi bị Thiên Chúa bắt buộc hằng ngày phải đưa ra những bằng chứng biểu lộ rằng người này bị quỷ nhập.
Ôi Tôn sư cao cả! Ngài làm tôi đau đớn biết bao! Ngài buộc tôi phá huỷ sức mạnh của tôi, thành trì của tôi! Thật là khốn nạn cái lúc tôi nhập vào thân xác này! Tôi không ngờ rằng tôi lại bị ép buộc làm việc cho vinh quang của Đấng Tối Cao, làm việc để cho các tâm hồn ăn năn trở lại”.
Người ta có rất nhiều bằng cớ chứng tỏ Isacaron muốn thoát khỏi bổn phận của nó, muốn các giáo sĩ làm phép trừ quỷ để cho phép nó ra khỏi, nhưng rất tiếc cho nó là họ đã không làm điều ấy.
Một hôm, người ta nói về cha De Ravignan trước mặt Gay. Lúc đó cha đang phụ trách các buổi giảng thuyết ở nhà thờ Chính tòa, sau cha Lacordaire. Con quỷ kêu lên bằng miệng của ông Gay: “Đó là một người! Đó là một linh mục! Mi hãy nói với ông ấy dâng thánh lễ để giải phóng cho người bị quỷ nhập này, và để Thiên Chúa tước bỏ cái quyền hành mà ta đang sử dụng trên thân xác này trước khi nó được giải phóng”.
MA QUỶ GIẢNG ĐẠO ĐỨC
Đây là một câu chuyện được Sư huynh Bề Trên các trường học Công giáo tại Feurs (Loire) kể lại. Khi đi từ Lyon tới Clermont-Ferrand với Antoine Gay, cha Chiron có viết thư cho sư huynh rằng cha sẽ dừng lại tại Feurs với một người bị quỷ nhập.
Và đây, cha đã tới. Sư huynh và toàn thể cộng đoàn nhìn chằm chằm vào người bạn đường của cha. Họ thấy gì? Một người rất điềm đạm, rất đứng đắn, thậm chí rất nhã nhặn. Sư huynh không tin vào mắt mình. Ngài nói nhỏ vào tai cha Chiron: “Cha chẳng nói với tôi rằng cha có đem theo một người bị quỷ nhập sao?”
Nhưng khi sư huynh vừa nói lên ý nghĩ đó, thì “ông bạn rất tốt” kia bỗng đổi nét mặt. Sư huynh viết: “Miệng sùi bọt, mắt nảy lửa, ông ta nói bằng một giọng khiến tôi xanh mặt: ‘Bộ mi không nhìn thấy ta sao?’. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ chết giấc nếu cha Chiron không trấn an tôi”.
Hầu như luôn luôn như vậy. Khi người ta ít ngờ tới nhất, thì ông Gay đáng thương này bỗng chốc vặn vẹo người tới mức độ không thể tin được, vật mình xuống đất, quay người như chong chóng mà không bao giờ bị mất thăng bằng. Ông vốn là một người nặng ký, thế mà bỗng chốc trở nên nhẹ nhàng và mềm dẻo lạ thường. Một hôm, ông vung mạnh chân trái lên đầu một người nói chuyện với ông, người này tầm vóc rất cao, rồi lại để chân xuống đất nhẹ nhàng như một tay nhào lộn giỏi nhất trong một gánh xiếc.
Nhưng khi người ta mong được thấy những cảnh điên dại, thì lại có một sự thay đổi mới lạ xảy ra. Đôi mắt Gay đầy lệ. Giọng nói của con quỷ dịu dàng hẳn. Cũng cái miệng phát ra những lời nguyền rủa lúc nãy, bây giờ bắt đầu giảng một bài như sau:
“Kẻ ác không được hạnh phúc. Nếu người ta đầy ắp những tư tưởng lo cho chính mình, thì người ta cũng đầy ắp tinh thần của ma quỷ. Chính nhờ chiều hướng ích kỷ đó mà chúng tôi mới làm cho con người hư mất được.
Thiên Chúa dùng con người để thử thách con người. Các người bị sầu khổ ư? Hãy nhận điều đó như là một ân huệ! Thập giá đáng cho tất cả mọi người yêu thích hơn hết! Thiên Chúa đã vác thánh giá để cứu rỗi con người, và Ngài cũng để những người mà Ngài yêu mến cùng vác thánh giá với Ngài!
Thế gian tưởng rằng sự khiêm nhượng là yếu đuối, là bất lực. Còn ta, ta nói rằng khiêm nhượng là quyền năng và là sự cao cả!
Nếu các ngươi biết nỗi bất hạnh của những người sa hoả ngục thế nào, thì các ngươi sẽ trở nên thánh hết tất cả. Không có một ngôn ngữ nào có thể diễn tả được những đau khổ của những người bị luận phạt. Không một trí óc con người nào có thể hiểu nổi những nỗi khổ đau đó!
Người nào yêu thương chính mình hơn Thiên Chúa, sẽ không được Thiên Chúa yêu thương!
Thiên Chúa cho phép mặt trái của cuộc đời xảy ra để con người được ích lợi về tâm linh, để làm cho con người trở về với chính mình, và trở về với Ngài.
Đừng bao giờ quên rằng thánh giá đáng yêu, đáng thích hơn danh dự!
Cần phải hiểu rằng cuộc đời ngắn ngủi, và người ta phải chịu đựng những đau khổ trong tinh thần thống hối, và coi những đau khổ đó như là đến từ Thiên Chúa.
Người ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương người lân cận mình. Hạnh phúc cho ai biết bỏ tất cả vì Thiên Chúa!
Ôi! Phải chi con người có thể nhìn thấy một tâm hồn ở trong tình trạng ân sủng đẹp đẽ biết chừng nào!
Hạnh phúc không ở dưới trần gian này: người nào chiếm hữu được Thiên Chúa là chiếm hữu được tất cả!
Người giàu phải là người quản lý săn sóc cho người nghèo. Thiên Chúa đã giao của cải trong tay người giàu để họ giúp đỡ đồng loại. Họ là những nhà kinh doanh của Thiên Chúa.
Người giàu phải tự coi thường mình và tuân theo những lời giáo huấn của Chúa Cứu Thế. Ngài đã nói: ‘Người giàu khó được cứu rỗi hơn con lạc đà chui qua lỗ kim'”.
Nhưng điều kỳ lạ là Isacaron đã không nói tất cả những lời nói xây dựng đó sớm hơn sự việc nó giận dữ, nói báng bổ Thiên Chúa, nguyền rủa các thụ tạo của Ngài và nguyền rủa chính mình. Nó đã từng kêu lên: “Khốn cho những kẻ kiêu ngạo! Khốn cho ta, Isacaron! Chính sự kiêu ngạo, sự vô ơn, sự bất tuân phục đã biến ta thành một thiên thần phản loạn và bị trầm luân!”
MỘT VÀI SUY TƯ CỦA ISACARON
Chúng tôi xin kể ra một vài suy tư của Isacaron về một số chủ đề khác nhau.
Về Philatô: “Philatô khi làm quan toà quả có biết rằng ông ta đang kết án một người vô tội. Tuy nhiên, ma quỷ đã thúc đẩy ông ta kết án vị Quan Toà tối thượng, Quan Toà của mọi quan tòa. Khi rửa tay, Philatô đã làm tay mình bị dơ bẩn thêm”.
Về Maria Mađalêna mà Tin Mừng nói rằng đã được Chúa chữa cho khỏi “bảy quỷ”: “Maria Mađalêna là một vị đại thánh mà người ta cần phải chạy đến với một sự tin cậy hoàn toàn. Ngay khi Bà được may mắn biết Thiên Chúa, thì sự thống hối của Bà rất lớn, nước mắt Bà chảy quá nhiều, đến nỗi không một con quỷ nào có thể làm Bà phạm tội trở lại. Bà là gương mẫu cho mọi hối nhân, họ phải coi Bà như trạng sư đặc biệt trước Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban ơn ưu đãi đặc biệt cho những ai kêu cầu Bà”.
Về việc nguyện gẫm: “Nếu các người suy ngẫm kỹ về cuộc đời của Đấng Cứu Thế và của Mẹ Thánh Ngài, thì ta thách các người dám làm một lỗi lầm nhỏ nhất chống lại Thiên Chúa”. “Đói khát và sự chết không là gì cả! Chỉ có tội lỗi mới đáng sợ thôi”.
Về sự trọn hảo Kitô giáo: Để trả lời cho một bà kia hỏi Isacaron: sự trọn hảo Kitô giáo hệ tại điều gì, và con đường nào dẫn tới sự trọn hảo ấy? Con quỷ trả lời: “Hãy kinh tởm tội trọng. Đừng cố tình phạm tội nhẹ. Đừng quên mất Thiên Chúa đang hiện diện. Biết khiêm nhượng trong tất cả mọi ngày của cuộc đời, vì kiêu ngạo là tật xấu lớn nhất trong mọi tật xấu. Hãy làm gương sáng và khôn ngoan khuyên bảo người khác. Hãy ăn năn hối cải như Vị Tiền Hô yêu cầu. Và người nào đã thánh thiện rồi thì hãy cố gắng thánh thiện hơn nữa!”.
CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC MARIA
Chúng ta hãy kết thúc phần châm ngôn có nguồn gốc dị thường này bằng lời cầu nguyện với Đức Maria, do quỷ Isacaron sáng tác và đọc lại:
Lời Cầu Nguyện
“Ôi Đức Maria linh thiêng!
Con xin thưa với Mẹ,
Với lòng tín thác hoàn toàn.
Mẹ không hề bỏ rơi ai,
Mẹ quan tâm đến ơn cứu sống
Của con người biết bao!
Và Thiên Chúa không thể chối từ
Bất cứ điều gì Mẹ xin.
Hãy che chở con dưới quyền năng của Mẹ,
Nếu Mẹ thương chấp nhận
Lời cầu xin khiêm nhường của con,
Thì một cách nào đó,
Cả hoả ngục cũng không hại được con.
Mẹ là Bà chủ cai quản vận mệnh con,
Nếu Mẹ bỏ rơi con,
Con sẽ bị hư mất không phương cứu chữa.
Nhưng không, Mẹ rất nhân từ,
Đến nỗi không thể bỏ rơi
Những ai đã cậy trông nơi Mẹ.
Xin cầu cho con trước Thiên Chúa Ba Ngôi,
Thì chắc chắn con sẽ được cứu rỗi.
A! Con muốn có thể làm cho
Mọi người trên trái đất biết Mẹ.
Con muốn loan báo khắp nơi
Sự cao cả của Mẹ,
Lòng nhân từ và quyền năng của Mẹ.
Điều con không thể làm nhưng con muốn,
Là mọi thần thánh trên trời đều làm
Và mọi ma quỷ đều bị bắt buộc
Tuyên xưng rằng Mẹ là Tuyệt Tác của Đấng Hoá Công,
Mẹ nắm trong tay quyền năng của Thiên Chúa,
Mẹ rất đáng sợ đối với quỷ thần,
Và tất cả đều phải tuân phục Mẹ.
Mẹ là tạo vật vô song,
Chỉ một mình Mẹ vừa là mẹ vừa đồng trinh,
Mẹ đã ban cho nhân loại Đấng Cứu Thế.
Mẹ với thánh Giuse đứng riêng một hàng,
Mẹ đã được tôn lên cao
Hơn tất cả thiên thần và các thánh.
Mẹ quả thật là linh thiêng!
Con cậy trông nơi Mẹ,
Và tin vững chắc rằng:
Mọi quyền năng dưới địa ngục
Không thể nào thắng được con!
Ước gì được như vậy!
Tất cả các thiên thần và các thánh,
Sẽ ca tụng Mẹ đến muôn đời! Amen”.
Người ta quả quyết với chúng tôi rằng, sau khi đọc kinh này, bỗng nhiên con quỷ trở nên ngạo mạn, và nói bóng gió về việc Antoine Gay đã bị giam hãm như một người điên trong vòng ba tháng ở bệnh viện tâm thần Antiquaille, tại Lyon. Rồi nó kêu lên: “Chúng nó sẽ vào các nhà thương điên tìm những người điên để nghe họ đọc một kinh như vậy!”
ĐOẠN KẾT CUỘC ĐỜI ANTOINE GAY
Cuộc đời của Antoine Gay hiển nhiên có thể nói là “ngoại hạng”. Vào thế kỷ XVII, có một trường hợp quỷ nhập rất cảm động được dùng làm phương tiện thánh hoá nạn nhân bằng những thử thách khủng khiếp nhất. Đó là trường hợp quỷ nhập cha Surin, dòng Tên, suốt 20 năm, sau khi cha trừ quỷ cho các nữ tu Ursule ở Loudun. Trường hợp của Antoine Gay hơi khác một chút, nhưng giống với trường hợp của cha Surin ở cái nét không thể chối cãi này, là người bị quỷ nhập được thánh hóa. Những năm cuối cùng của Antoine Gay xảy ra trong cảnh bị mọi người bỏ rơi, có thể còn khủng khiếp hơn bị quỷ nhập.
Cha Chiron, người rất lo lắng cho ông, đã qua đời từ năm 1852. Cha sở Thánh họ Ars, người quan tâm tới ông không kém, cũng lìa trần năm 1859. Sau khi cha sở Ars qua đời, Antoine Gay còn sống thêm 12 năm, và hầu như không còn ai tới giúp đỡ ông một cách liên tục nữa. Nhưng ông chấp nhận tất cả với lòng nhẫn nhục lạ lùng. Gia đình ông xấu hổ vì ông. Hai em gái ông thù nghịch với ông. Cô em gái út ngăn cản hai đứa con của mình không cho chúng tới thăm cậu. Tuy nhiên, Antoine Gay chỉ làm theo lòng nhân từ của mình, nên khi người em gái đó bị bệnh, ông đã cho bà ấy 200 franc. Đó là số tiền ông dùng để chữa bệnh. Con quỷ vẫn luôn ở trong ông. Ông phải chiến đấu dữ dội và không ngừng với kẻ thù dữ tợn của ông bằng đời sống cầu guyện và thống hối nhiệm nhặt. Ông sống như một tu sĩ ở sa mạc ngày xưa: ăn chay, chỉ ăn bánh mì và uống nước lạnh, ngủ trên một tấm ván, mang thắt lưng gai để đền tội và sống theo kỷ luật.
Trong 6 tháng cuối cùng đời ông, ông sống trong căn nhà trọ nghèo nàn tại số 72 đường Macchabées, thuộc giáo xứ Saint Irénée. Có những người đạo đức và bác ái ở Lyon săn sóc ông, nhất là một bà nọ rất cảm thông với ông, từng ở bên cạnh ông hằng giờ. Những cuộc thăm viếng này đã an ủi ông, vì khi có mặt một vài người thì ma quỷ đỡ hành hạ ông hơn.
Nhưng một thử thách mới đang chờ đợi ông, một thử thách mà người ta sẽ thấy tương tự như trong những trường hợp quỷ nhập mới xảy ra sau này: Đó là con quỷ Isacaron đang làm chủ thân xác ông không muốn cho ông xưng tội như ông vẫn muốn. Isacaron rất cương quyết. Nó tuyên bố với ông rằng ông không thể xưng tội được trước khi lãnh phép trừ quỷ. Tại sao nó lại đòi hỏi như thế? Dường như con quỷ này bị Thiên Chúa Quan Phòng bắt buộc phải ở đó, như chúng ta đã thấy, để “làm theo lệnh Chúa”, và vai trò này đối với nó là một cực hình đặc biệt. Vì thế nó muốn được làm phép trừ quỷ để thoát khỏi cực hình này. Nhưng vì không có ai làm phép trừ quỷ như ý nó muốn, nên nó quyết định ít ra là làm hư mất linh hồn của nạn nhân khốn khổ mà nó không thể nào ra khỏi được, bằng cách cản trở không cho nạn nhân này lãnh các phép bí tích. Vì thế, nó xác định với ông: “Mi không thể nào xưng tội được trước khi ta ra khỏi thân xác mi!”. Nó còn nói thêm: “Chưa từng có một vụ quỷ nhập như thế này, và sẽ không bao giờ có một vụ tương tự như thế nữa!”. Chúng ta cũng dễ dàng tin như thế.
Quả thật, một lần, con quỷ ngăn cản Antoine Gay suốt 3 tuần không cho ông đi dự lễ ngày Chúa nhật. Một hôm, cha Perrier đến tìm ông, có ông Blanc cùng đi. Ngày trước, khi cha Perrier ở tại một tu viện của dòng Tên ở Lalouvesc, cha đã biết Antoine Gay tại đó. Nay cha vừa được bổ nhiệm tới một nhiệm sở ở Lyon. Khi đi thăm người bị quỷ nhập, ý định của cha là tạo điều kiện để ông xưng tội. Nhưng vào dịp này, Isacaron lại tuyên bố một lần nữa là nó sẽ không cho ông xưng tội trước khi nó được ra khỏi ông. Hai người chờ đợi và hy vọng vô ích. Bao lâu họ còn hiện diện ở đó, thì Gay hoàn toàn không nói được một lời nào.
Năm 1869, Antoine Gay được 79 tuổi, ông có trở về Lantenay, nơi chôn rau cắt rốn của ông, một vài tuần lễ, để điều chỉnh những vấn đề về thừa kế, khiến ông phải gặp mặt gia đình ông. Trong một lá thư gửi cho bà T. ở Lyon, người vẫn thỉnh thoảng đến thăm ông, người ta đọc thấy những dòng chữ thảm thiết: “Tại đây, con quỷ còn hiểm độc với tôi hơn là ở Lyon. Tôi muốn người ta cầu nguyện nhiều cho tôi, vì cuộc đời tôi sắp kết thúc rồi. Tôi không biết khi nào tôi mới trở về Lyon được: luôn luôn vẫn có những cản trở, thế gian đứng về cùng một phe với ma quỷ. Tôi càng lúc càng đau khổ hơn. Xin bà gửi lời thành kính khiêm nhường của tôi tới cha Perrier. Bà hãy nói với ngài rằng tôi xin ngài cầu nguyện cho tôi và đừng quên tôi khi dâng thánh lễ”.
Trong phần tái bút, có ghi chú thêm: “Con quỷ khốn nạn Isacaron nói với tôi: ‘Hãy trả lời nhanh nhanh lên!'”.
Sau khi viết lá thư đó, Antoine Gay trở lại Lyon. Ông lập tức lâm vào tình trạng thê thảm: khi đi ngang qua ông, người ta lắc đầu thương hại. Họ nghe thấy ông nói: “Tôi không thể nào ở trong cái túp lều khốn nạn của tôi nữa!”
Kẻ thù bên trong ông không để cho ông được yên thân nữa. Ông khóc lóc hoài. Tuy nhiên, đức tin của ông vẫn nguyên vẹn. Ông nói: “Tôi chỉ biết kêu cầu sự cứu giúp của Đức Trinh Nữ và thánh Giuse”. Trong khi cuộc chiến tranh 1870 – 1871 xảy ra, con quỷ loan tin qua miệng của ông rằng ông sẽ bị đau khổ hơn bao giờ hết. Isacaron bắt ông phải khoanh tay lại trong nhiều giờ, không cho ông đổi tư thế. Ông thấy cuộc đời của ông sẽ kết thúc một cách nhanh chóng. Ngày 4/6/1871, bà T., người phụ nữ đầy tình thương vẫn thỉnh thoảng đến thăm ông, trông thấy ông rất đau khổ, đã ở bên cạnh ông khoảng một tiếng rưỡi. Ông lập đi lập lại là giờ chết của ông đã đến gần rồi, thế mà ông vẫn chưa được giải thoát khỏi con quỷ đó. Đã 2 tháng nay ông không thể đi lễ được vì quá yếu.
Cha sở họ đạo Saint Irénée, ở gần nhà ông, đã được bà T. báo cho biết về tình trạng của ông. Một lần nữa, cha thử giúp ông xưng tội. Hôm đó là ngày 13/6, ngày lễ kính thánh Antôn Pađua. Mọi cố gắng đều vô ích. Isacaron nói: “Không thể cho xưng tội được trước khi làm phép trừ quỷ”. Vì thế, Antoine Gay bị câm không xưng tội được do áp lực của ma quỷ. Cha sở bèn ban phép giải tội và xức dầu cho người hấp hối, và ông đã nhận tất cả những bí tích này với lòng đạo đức sâu xa. 15 phút sau, ông tắt thở, trước sự hiện diện của cha sở, là người đã chứng kiến tới giây phút cuối cùng của ông. Người Kitô hữu dũng cảm này đã sống gần nửa thế kỷ trong xiềng xích và trong sự gắn bó bất đắc dĩ với tên đầu sỏ của Hoả ngục.
Giấy khai tử của Antoine Gay được ghi lại trong sổ tử của họ đạo Saint Irénée với chú thích như sau: “Năm 1871, ngày 14/6, tôi đã dâng lễ an táng theo nghi thức Giáo Hội cho Antoine – Louis Gay, chết ngày 13/6, thọ 81 tuổi. Ký tên Chazelle, cha phó”.
Trong số những người biết rõ ông và tỏ ra thiện cảm với ông, ngoài những người mà chúng tôi đã kể, như cha Chiron, cha sở họ Ars, cha Perrier, cha Toccanier, còn có những người nổi tiếng như cha Collin, vị sáng lập Tu hội các cha Mariste, cha Chevrier, sáng lập Tu hội Prado, và nhiều người khác nữa.
Trích chương IV trong cuốn “Présence de Satan dans le monde moderne” (Satan trong thế giới ngày nay), NXB France-Empire, 1985, của Đức Ông Léon Cristiani. Bản Việt ngữ do Joseph chuyển dịch.