Ronald Rolheiser
Tôi đã viết về tự tử suốt gần 40 năm. Tôi làm vậy bởi vì nhìn chung, chuyện tự tử bị hiểu lầm nghiêm trọng. Hơn thế nữa, có lẽ hơn bất cứ hình thức chết nào khác, tự tử làm cho những người bị bỏ lại mang một nỗi đau buồn, tổn thương và mặc cảm tội lỗi nặng nề.
Chúng ta cần phải nói thẳng bốn điều về tự tử:
Thứ nhất, tự tử là căn bệnh và có lẽ đây là căn bệnh khó hiểu nhất. Trong hầu hết trường hợp, đương sự không được tự do khi lựa chọn cách chết này. Khi chết vì đau tim, đột quỵ, ung thư, AIDS hay tai nạn, con người chết trái với ý mình. Với tự tử cũng thế, trừ một chuyện, tự tử là cơn bộc phát cảm xúc hơn là bộc phát thể lý, một đột quỵ về cảm xúc, một khối ung thư về cảm xúc, một sụp đổ của hệ miễn dịch cảm xúc, một đòn chí tử của cảm xúc.
Và đây không phải là cách nói ẩn dụ. Tự tử là một căn bệnh. Hầu hết những người tự tử đều chết trái với ý muốn của họ. Họ chỉ muốn kết thúc nỗi đau không thể chịu đựng thêm được nữa, cũng như người nhảy ra khỏi tòa nhà đang cháy, vì họ đã như cây đuốc sống.
Thứ hai, chúng ta không nên lo lắng quá mức về sự cứu rỗi đời đời của họ, không nên tin rằng tự tử là hành động tuyệt vọng tận cùng và là điều mà Thiên Chúa sẽ không tha thứ. Thiên Chúa thông hiểu, yêu thương và trìu mến con người vô cùng vô tận. Chúng ta không nên lo lắng về số phận của bất kỳ ai đã rời thế giới này trong tan vỡ, trong quá đỗi nhạy cảm, thiết tha, quá đỗi kiệt quệ và cảm xúc bị sụp đổ. Những con người tan nát được Chúa yêu thương cách đặc biệt.
Nhưng, hiểu được chuyện này không nhất thiết giúp chúng ta hết đau đớn (hết giận dữ) khi mất người thân vì tự tử, đức tin và sự thông hiểu không phải lúc nào cũng giúp chúng ta xóa bỏ nỗi đau, để chúng ta hy vọng, để được nâng đỡ khi chúng ta bước đi trong nỗi đau.
Thứ ba, chúng ta không nên hành hạ bản thân khi cảm thấy tội lỗi và băn khoăn lo lắng mình đã mất người thân yêu này vào thời điểm nào. “Mình đã phụ lòng họ lúc nào? Giá mà mình ở đó? Nếu như?” Lẽ tự nhiên, chúng ta sẽ bị ám ảnh với suy nghĩ, “giá mình ở đó vào lúc này”. Hiếm khi mặc cảm này tạo nên được sự khác biệt. Thật vậy, hầu như chúng ta đều không ở đó vì người đó không muốn chúng ta ở đó. Người đó đã chọn thời điểm, địa điểm và phương thức sao để chúng ta không thể làm được gì. Tự tử là căn bệnh dường như chọn nạn nhân, để làm sao họ loại trừ được người khác, loại trừ được sự quan tâm của người thân. Đây không phải là biện hộ cho sự thiếu nhạy cảm, nhưng là một xác nhận lành mạnh trước mặc cảm tội lỗi và băn khoăn đau đớn.
Chúng ta là con người, chúng ta không phải là Thiên Chúa. Con người chết vì tai nạn, vì bệnh tật, và đôi khi tình yêu và cả sự quan tâm của cả thế giới cũng không ngăn được cái chết. Một người mẹ mất con vì tự tử đã viết: “Ý chí muốn cứu mạng ai đó không tạo được sức mạnh để ngăn chặn cái chết.”
Vì thế, chúng ta phải tha thứ cho bản thân vì sự bất toàn của mình khi sống với người bị trầm cảm muốn tự tử. Nhưng chuyện này không dễ dàng gì, như người đàn ông đã mất vợ vì tự tử này xác nhận: “Vợ tôi không hạnh phúc, bà bị trầm cảm quá lâu, vì thế tôi mong cuối cùng bây giờ bà được bình an. Suốt bốn hay năm năm qua, ít nhất mỗi tuần một lần, bà lặp lại ý muốn chết… Thật khó để tôi không cắn rứt trong bất hạnh của vợ tôi… Ít nhất, tôi sẽ mang đến chết đáng ra tôi có thể làm nhiều hơn để giữ bà lại. Suốt mấy năm qua, thay vì nói chuyện để cố khuyến khích bà nhìn sự việc một cách tích cực, tôi lại chọn cách trốn tránh và rút lui. Tôi nghĩ cố gắng phá trầm cảm không giải thích được, chỉ làm mọi chuyện tệ hơn, ít nhất là với tôi, vì tôi thường là mục tiêu dễ nhắm để vợ tôi trút cơn giận và bất hạnh của bà”.
Đây là cảm giác tội lỗi thường có của những người mất người thân vì tự tử, nhất là người vợ hoặc người chồng. Điều chúng ta cần hiểu là cơn giận dữ của người trầm cảm gần như thường xuyên chính xác tập trung vào những người mà họ tin tưởng và thân yêu nhất, vì đó là nơi an toàn duy nhất họ có thể trút cơn giận (mà không bị phản đòn). Hệ quả là, người bị nhắm thường cố thoát ra bằng cách trốn tránh và rút lui, sau đó là cảm thấy mình tội lỗi.
Thứ tư, khi mất người thân vì tự tử, một trong những nhiệm vụ của chúng ta là cứu ký ức về họ, đưa cuộc đời họ vào một góc nhìn sao cho cách chết của họ không làm ố màu ký ức về họ mãi mãi. Đừng gỡ bỏ hình ảnh của họ, đừng thì thầm khi nói về cuộc đời và cái chết của họ, đừng đánh một ngôi sao không phai bên cạnh tên họ. Cuộc đời của họ không nên bị phán xét qua lăng kính cái chết của họ. Chúng ta nên chuộc lại ký ức cho họ.
J.B. Thái Hòa dịch