Bi kịch thật sự của tội lỗi

Date:

Share post:

Bi kịch thực sự của tội lỗi là: thường người chịu hậu quả của tội lỗi đó cuối cùng lại trở nên người gây ra tội lỗi, bắt người khác chịu những gì đã từng giáng xuống trên mình. Trong chúng ta có một khuynh hướng tai ác, là khi bị tác hại chúng ta thường nắm lấy tội lỗi đó, hoàn tất nó với những thứ xấu xa của nó, rồi lại đấu tranh để không hành động như thế nữa. Chiến thắng tột cùng của tội lỗi là khi người bị hại trở nên người gây tội.

Chúng ta thấy điều này trong tác động của các nghi thức mang tính hành hạ kiểu bắt nạt. Từ các đội bóng trung học, cho đến các nhóm đại học, và một số trường quân bị, các nghi thức hành hạ này được dùng như một dạng nhập môn vậy. Điều thú vị là những người đã trải qua chuyện đó thường háo hức đến lượt mình được làm chuyện đó với người khác. Trải qua một chuyện hành hạ đã gợi lên tính hành hạ trong họ.

Một số trường phái tâm lý học đã xác nhận rằng mọi kẻ tấn công đều đã bị tấn công trước. Đúng là gần như thế. Kẻ bắt nạt đã từng bị bắt nạt, và kẻ ngoài cuộc chua cay là người từng bị loại trừ bất công. Vậy điều gì tạo nên một kẻ ngoài cuộc? Điều gì tạo nên người thích bắt nạt? Và điều gì tạo nên một kẻ giết người hàng loạt? Phải có gì đó xảy ra trong lòng một người lạnh lùng mặc vào bộ đồ lính, cầm súng, và xả vào các học sinh vô tội chứ?

Chắc chắn một trong những yếu tố gây nên chuyện này là bệnh tâm thần, nhưng còn các yếu tố khác nữa, những yếu tố mà chúng ta không đủ can đảm để đối diện. Phán xét bộc phát của chúng ta với thủ phạm xả súng hay đánh bom khủng bố, chỉ là thể hiện chính tội lỗi đó: “Mong cho hắn chết khô trong hỏa ngục.” Phản ứng này sai ở chỗ nó không hiểu được rằng người đó đã phải chịu đau khổ trong hỏa ngục của riêng mình và hành động kinh khủng của họ là một nỗ lực thoát ra hỏa ngục hay có thể là kéo thêm nhiều người vào chung chỗ với mình.  Điều mà hầu hết những người gây ra bạo lực mong muốn, là hủy hoại thiên đàng của những người khác bởi họ đã bị tước mất thiên đàng của mình một cách bất công rồi. Tất nhiên không phải lúc nào điều này cũng đúng, bởi còn có chứng tâm thần và mầu nhiệm ý chí tự do của con người nữa, nhưng cũng đủ để chúng ta phải nghĩ lại và hiểu rõ hơn về lý do tại sao có những người mang tâm hồn cay đắng trong khi lại có những người mang trái tim yêu thương. Điều gì tạo nên tâm hồn con người? Điều gì khiến nó cay đắng hay nhân từ?

Tội lỗi và phúc lành định hình tâm hồn con người, một cái làm cho méo mó và một cái thì chữa lành.  Tội lỗi, của chúng ta hay của người khác, là làm tổn thương tha nhân và che chắn cho chúng ta khỏi những chứng bệnh bên trong mình, bởi phạm tội là chúng ta gây bệnh cho người khác. Còn phúc lành thì ngược lại. Nó làm dịu chứng bệnh đang tác hại bất công lên họ, giúp biến cay đắng thành nhân từ, và chữa tận gốc những vết thương của họ.

Và chúng ta cần ngưng xếp loại, người ta là “kẻ thành công”, “kẻ thất bại” như thể chỉ có mình họ chịu trách nhiệm cho thành công hay thất bại của mình vậy. Không phải như thế. Tôi cho rằng những người từ tâm như Mẹ Têrêxa, không mấy người bị xâm hại đau khổ khi còn nhỏ.  Những người như thánh Phanxicô, không mấy người bị giễu cợt, bị bắt nạt trên Facebook, bị xấu hổ vì ngoại hình của mình.  Theo nhạc sĩ Leonard Cohen, ác độc và từ tâm, đều đến từ những gì chúng ta đã nhận lãnh. Rồi chúng ghi dấu trong tâm thần và cả trong cơ thể chúng ta. Cách chúng ta thể hiện mình, điệu bộ cơ thể, cách chúng ta biểu lộ tâm linh, tự tin hay hổ thẹn, quảng đại hay nhỏ nhen, yêu thương hay chạy trốn tình yêu, những phúc lành hay nguyền rủa, hệ tại rất nhiều ở việc bản thân chúng ta đã được chúc lành hay bị nguyền rủa khi chúng ta không đáng được chúc lành hay bị nguyền rủa.

Nhưng tôi thú thật, mầu nhiệm ý chí tự do của con người vẫn là một đám mây che mờ chuyện này. Có những người từng bị ngược đãi lúc nhỏ, nhưng vẫn trở thành một Mẹ Têrêxa, có những người bị bắt nạt nhưng vẫn trở thành một thánh Phanxicô chữa lành cho hàng triệu tâm hồn, biến những hành động tội lỗi giáng lên họ thành một phúc lành mạnh mẽ. Đáng buồn thay, đấy chỉ là những ngoại lệ, và cũng chính vì thế mà đó chính là thành tựu vĩ đại của họ.

Và cái hậu họa của tội lỗi này khiến chúng ta phải đối diện với nhiều thách thức: Thứ nhất, chúng ta không được để cảm xúc chi phối khi đưa ra những phán xét “cho nó chết trong hỏa ngục cho rồi.” Thứ hai, chúng ta phải bớt kiêu ngạo và xem thường những người mà chúng ta gọi là “kẻ thất bại.” Nữa là, chúng ta phải học được rằng thách thức nhân bản và tâm linh tối cùng chính là không để những gì chúng ta phải chịu đựng biến chúng ta thành con người cay đắng và muốn gây đau khổ đó trên người khác. Cuối cùng, nhưng không kém quan trọng, khi hiểu rằng cuộc đời của chúng ta có quá nhiều thứ chúng ta không xứng đáng nhận được, thì chúng ta cần tri ân Thiên Chúa và biết ơn mọi người, vì những tình cảm và nâng đỡ mà chúng ta đã nhận được dù không xứng đáng.

Ronald Rolheiser | J.B. Thái Hòa dịch

Trừ tà Công giáo cần sự hỗ trợ của quý vị! Mọi thứ quý vị nhận được trên Trừ tà Công giáo đều miễn phí. Chúng tôi dựa vào sự đóng góp của quý vị để tiếp tục sản xuất nội dung chất lượng cao mà chúng tôi cung cấp mỗi ngày. Xin vui lòng giúp chúng tôi tiếp tục mang thông điệp của Tin Mừng đến với mọi người ở khắp mọi nơi thông qua giáo lý, kiến thức, kinh nghiệm, tin tức, câu chuyện về trừ tà và còn hơn thế nữa. Trân trọng cảm ơn!

Bài liên quan

“Hãy yêu kẻ thù”, nhưng “kẻ thù” là ai và “yêu” như thế nào?

Mt 5,43-48: “Hãy yêu kẻ thù”, nhưng “kẻ thù” là ai và “yêu” như thế nào? Lm. Giuse Lê Minh...

Satan, quỷ, Ác thần, tà thần trong Kinh Thánh

Satan, quỷ, Ác thần, tà thần trong Kinh Thánh Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.   Nội dung Dẫn nhập I. Từ...

Bốn vị Thánh nói về Kinh Mân Côi và trận chiến thiêng liêng

Là một trong những việc đạo đức phổ biến nhất của người Công giáo, chuỗi Mân Côi là...

Các thiên thần bản mệnh đang bị lãng quên

Hằng năm, Giáo Hội dành riêng ngày 2/10 để biệt kính các Thiên thần bản mệnh, cũng gọi...