Lm. Ronald Rolheiser
Hơn 50 năm trước, tâm lý gia James Hillman đã viết cuốn sách với tiêu đề, “Tự tử và Linh hồn.” Cuốn sách này hướng đến các nhà trị liệu tâm lý và ông biết các bác sĩ tâm lý đó và cả những người khác sẽ không dễ dàng đón nhận. Có nhiều lý do. Ông đã thẳng thắn thừa nhận rằng trong sách có những điều “đi ngược lại mọi thường thức, mọi biện pháp y khoa, và cả lý luận.” Nhưng như tiêu đề đã làm rõ, ông đang nói về tự tử và đang cố hiểu về tự tử. Chẳng phải đó là một việc đi ngược lại mọi thường thức, mọi biện pháp y khoa, và cả lý luận hay sao? Cái lý của ông là thế.
Trong một vài trường hợp, tự tử có thể là kết quả của sự mất cân bằng sinh hóa hay một khuynh hướng di truyền đi ngược lại với sự sống. Đây đúng là một chuyện bất hạnh và thương tâm, nhưng cũng có thể hiểu được. Loại bệnh này đi ngược thường thức, biện pháp y khoa, và cả lý luận. Tự tử có thể là kết quả của một cơn khủng hoảng tâm lý trầm trọng hay một thống khổ quá đỗi không thể nào điều hòa được, và đơn giản là nó phá vỡ tâm thần của đương sự đến nỗi cái chết, như một giấc ngủ dài, trở thành một lối thoát quá đỗi hấp dẫn. Và dù đến điểm này, thường thức, y khoa và lý luận đều bó tay, nhưng chúng ta vẫn có thể nắm bắt được đôi chút về lý do xảy ra tự tử.
Có những trường hợp tự tử không phải do mất cân bằng sinh hóa, khuynh hướng di truyền, khủng hoảng trầm trọng hay thống khổ quá đỗi. Làm sao giải thích các trường hợp này?
Hillman, với tác phẩm đã viết cách đây hơn 50 năm, đã có lời biện hộ công khai cho linh hồn con người. Linh hồn có thể đi ngược thân xác và đi ngược lợi ích thể lý của chúng ta, và tự tử thường là một quyết định của linh hồn. Thật là một thấu suốt đánh động! Linh hồn và thể xác chúng ta không phải lúc nào cũng hướng đến cùng một điều, và đôi khi chúng quá lệch nhau đến nỗi dẫn đến kết quả là cái chết.
Trong sự căng thẳng giữa linh hồn và thể xác, những nhu cầu và xung lực của thể xác thường dễ nhận thấy, hiểu được và chăm sóc được hơn. Thể xác thường có những gì nó muốn hay ít nhất là chúng ta thấy rõ được những gì nó muốn và lý do nó kiệt quệ. Còn linh hồn? Các nhu cầu của linh hồn quá phức tạp đến nỗi thật khó để nhìn ra và hiểu thấu, chưa nói đến việc chăm sóc. Như triết gia Pascal đã nói. “Trái tim có lý lẽ của nó mà lý luận không thể hiểu được.” Điều này cũng đồng nghĩa với lời của Hillman. Nhận thức lý tính của chúng ta thường hoang mang trước những nhu cầu mơ hồ trong bản thân mình.
Nhu cầu mơ hồ đó chính là tiếng nói của linh hồn, nhưng không dễ để xác định được chính xác nó muốn gì. Hầu như chúng ta chỉ cảm nhận tiếng nói linh hồn như một chứng bệnh, một khắc khoải, mệt mỏi mà chúng ta không thể nào phân định chính xác được, như một áp lực nội tại đôi khi đòi chúng ta một thứ mâu thuẫn rõ rệt với nhu cầu của toàn bộ phần còn lại trong con người chúng ta. Chúng ta là một bí ẩn với chính mình.
Đôi khi những đòi hỏi của linh hồn đi ngược lại với lợi ích thể lý, không đến mức trầm trọng gây tự tử, nhưng ngay cả như thế, chúng ta vẫn thấy rõ được những gì Hillman đã nêu lên. Ví dụ như, chúng ta thấy một người đang quẫn trí bắt đầu cứa tay hay các phần cơ thể khác của mình. Những vết cắt đó không nhằm kết liễu sự sống, nhưng là để gây đau đớn và đổ máu. Tại sao? Người tự cắt mình, hầu như không thể giải thích theo lý tính lý do mình làm vậy, hoặc ít nhất là không thể giải thích tại sao đau đớn và đổ máu như thế, theo cách nào đó, lại giúp xoa dịu cơn quẫn trí của mình. Cô chỉ biết rằng mình đang đau ở một điểm mà cô không thể vươn tới, và khi làm đau mình ở một điểm mà cô có thể vươn tới, thì cô có thể đương đầu được với nỗi đau mà cô không thể vươn tới đó. Nguyên tắc của Hillman là thế này: Linh hồn có thể và có đòi hỏi những điều đi ngược lại với lợi ích của thể xác. Và nó có lý do của nó.
Với Hillman, đây là “nghịch lý gốc” để một nhà tâm lý học tìm cách hiểu được hành động tự tử. Nó còn là một nghịch lý giá trị cho tất cả chúng ta, dù không phải là nhà tâm lý học, nhưng phải nỗ lực để hiểu được cái chết của một người thân yêu đã tự tử.
Hơn nữa, đây cũng là một nghịch lý có thể giúp cho ta hiểu được nhau và hiểu được chính mình. Đôi khi linh hồn yêu cầu những thứ đi ngược lại rõ ràng với lợi ích và sức khỏe của chúng ta. Trong khi làm việc mục vụ và đôi khi là an ủi một người bạn đang đau lòng, nhiều lúc tôi thấy mình bất lực trước một người đang ngày càng xuôi dần theo chiều hướng làm hại mình một cách vô cùng phi lý. Tranh cãi lý luận và thường thức chẳng có tác dụng gì. Đơn giản là người đó muốn làm việc này để hủy hoại bản thân mà thôi. Tại sao? Linh hồn có lý do của nó. Tất cả chúng ta, dù theo những cách ít nghiêm trọng hơn, nhưng cũng từng cảm nghiệm điều này. Đôi khi chúng ta có những hành động gây hại cho sức khỏe thể xác và lợi ích bản thân, đi ngược lại mọi thường thức và lý luận. Linh hồn của chúng ta có lý do của nó.
Và tự tử cũng có lý do của nó.
J.B. Thái Hòa dịch