Xuất thân từ cùng một vùng và cùng một dòng tu với Cha Thánh Pio, Cha Matteo d’Agnone vẫn được nhiều người sùng kính cho đến ngày nay.
Rất nhiều người quen thuộc với cuộc đời của Thánh Padre Pio, người đã sống và an nghỉ tại San Giovanni Rotondo, ở dãy núi Gargano. Tuy nhiên, có một vị thánh Capuchin thánh thiện khác cũng sống ở cùng vùng với ngài, đó là Cha Matteo d’Agnone.
Cha Matteo sống vào thế kỷ XVI. Ngài đã được tuyên bố là Tôi tớ Chúa và quá trình phong chân phước cho ngài đang được tiến hành.
Mặc dù ít được biết đến trong thế giới nói tiếng Anh, ngài được Chúa ban cho nhiều ân huệ và đặc sủng thiêng liêng. Đặc biệt, ngài có khả năng tiên tri và phân định thiêng liêng, ơn cầu nguyện thẳm sâu trong đó ngài thường xuất thần, và lòng bác ái đối với người nghèo cũng như người bệnh mà ngài đã làm phép lạ cho họ.
Tuy nhiên, ngài được biết đến nhiều hơn cả với đặc sủng trừ quỷ. Trên thực tế, ngài được coi là một trong những nhà trừ quỷ uy lực nhất trong lịch sử Giáo Hội. Trong suốt cuộc đời của mình, người ta ước tính rằng Cha Matteo d’Agnone đã giải thoát khoảng 650 linh hồn đang chịu ảnh hưởng của ma quỷ ở một mức độ nào đó.
Sinh ngày 30 tháng 11 năm 1563, ngài được rửa tội với tên Prospero Lolli. Khi còn niên thiếu, ngài có dính líu vào một sự cố trong đó một người bạn thân bị bắn chết bằng khẩu súng cổ của cha ngài. Sau khi chạy trốn đến Naples, ngài theo học tại một trường đại học nổi tiếng về triết học và y khoa.
Tại đó, ngài quyết định trở thành một linh mục dòng Phanxicô. Ngài đã chọn Dòng Capuchin, một phong trào cải cách được hình thành khoảng 30 năm trước như một dòng tu sám hối và ẩn dật. Tên trong dòng của ngài là Matteo (Matthêô), có nghĩa là “món quà của Thiên Chúa”.
Ngài được thụ phong linh mục tại Bologna vào ngày 20 tháng 9 năm 1587. Ngay trước khi thụ phong, đặc sủng trừ tà và giải thoát phi thường của ngài đã sớm được bộc lộ.
Trong khi các linh mục khác đang thực hiện một cuộc trừ tà, con quỷ tiết lộ rằng nó không thể chịu đựng được sự khiêm nhường của Cha Matteo d’Agnone. Trên thực tế, ngay khi Cha Matteo đến, người phụ nữ bị quỷ nhập đã được giải thoát.
Sau khi thụ phong linh mục, ngài được chuyển đến tỉnh dòng Capuchin Foggia, nơi ngài phục vụ với tư cách là thừa tác viên của địa phương và tỉnh dòng. Ngài trở nên nổi tiếng là một giáo viên đức hạnh và uyên bác cũng như một nhà giảng thuyết uy quyền.
Ngài nổi tiếng vì lòng sùng kính Đức Mẹ và sự ủng hộ kiên định của ngài đối với sự kiện Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời bốn thế kỷ trước khi tín điều này được Đức Giáo hoàng Pio XII công bố vào năm 1950.
Trong suốt cuộc đời, ngài đã chịu đựng nhiều bệnh tật và đau thể xác, mà ngài đã tạ ơn Chúa, dâng những đau khổ đó để thông phần cứu rỗi các linh hồn.
Ngài qua đời tại tu viện Serracapriola, gần Foggia, vào ngày 31 tháng 10 năm 1616 và được an táng tại đó.
Nhiều người hành hương đến mộ ngài ở Foggia (cách San Giovanni Rotondo 30 km) đã cho biết rằng họ nhận được nhiều ơn lành, và thậm chí cả phép lạ.
Đáng chú ý là những người bị quỷ nhập hoặc quỷ ám đã thuật lại rằng họ được chữa lành nhờ lời chuyển cầu của ngài.
Mặc dù ảnh hưởng của ma quỷ và tác vụ trừ tà đôi khi bị hiểu lầm – bởi cả các tín hữu lẫn những người bên ngoài Giáo Hội – nhưng Giáo Hội Công giáo cho phép thực hiện nghi thức trừ tà cho những người được cho là nạn nhân của quỷ ám.
Sách Giáo Lý Giáo Hội Công giáo nêu rõ:
“Khi Hội Thánh, một cách công khai và với thẩm quyền, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, cầu xin để một người hay một đồ vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó, thì người ta gọi đó là Trừ tà (exorcismus). […] Còn việc trừ tà long trọng, gọi là “trừ tà đại thể”, chỉ được thực hiện bởi một linh mục, với sự cho phép của Giám mục. Trong việc này, phải tiến hành cách khôn ngoan, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hội Thánh. Việc trừ tà nhằm trục xuất ma quỷ hoặc giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó, nhờ quyền bính thiêng liêng Chúa Giêsu đã ủy thác cho Hội Thánh của Người. Trường hợp bệnh tật, nhất là các bệnh tâm thần, thì khác hẳn, việc chữa trị các bệnh này là công việc của y khoa. Vì vậy, điều hết sức quan trọng là, trước khi cử hành nghi thức trừ tà, phải rất chắc chắn rằng đây là trường hợp quỷ ám chứ không phải là một bệnh tật nào đó”. (Số 1673)
Bret Thoman, OFS | Lm. Nam An dịch