Lm. Ronald Rolheiser
Có một đoạn đầy ám ảnh trong sách Khải Huyền, một hình ảnh nên thơ nhưng có thể bị diễn giải sai đầy nguy hiểm. Tác giả sách viết thế này: “Thiên thần kia quăng liềm của mình xuống đất mà hái nho trong vườn nho dưới đất, rồi đổ cả vào bồn đạp nho lớn, tức là cơn lôi đình của Thiên Chúai” (Kh 14,19). Một thiên thần tàn khốc quét sạch thế giới! Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ tam bành! Chúng ta hiểu chuyện này thế nào đây?
Như nhiều đoạn khác trong Kinh Thánh, chúng ta cần nghiêm túc đón nhận đoạn này nhưng không phải theo nghĩa đen. Rõ ràng, đoạn văn này cũng như những đoạn văn khác trong Kinh Thánh nói về sự ghen tuông, giận dữ và báo oán của Thiên Chúa, có tầm quan trọng để chúng ta học hỏi. Nhưng như nhiều đoạn văn khác nói về sự ghen tuông và giận dữ của Thiên Chúa, nó cũng có thể bị hiểu lầm đầy nguy hiểm. Không phải Thiên Chúa nổi giận, không phải đôi khi Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ với chúng ta, và trút tai ương xuống trái đất bởi tội chúng ta. Đúng ra, ý nghĩa của đoạn văn này là những hành động của chúng ta có hậu quả, rằng tội lỗi trút tai ương xuống trái đất và cả trong linh hồn chúng ta, khiến chúng ta giận dữ, tự thù ghét bản thân mình, và thiếu sự tự dung thứ, và chính điều này đem lại cảm giác như Thiên Chúa giận dữ và trừng phạt chúng ta.
Thiên Chúa không nổi giận, đơn giản và hoàn toàn là thế. Thiên Chúa không phải là một thụ tạo như chúng ta. Đường lối Thiên Chúa khác với đường lối loài người. Điều này đã được xác nhận từ ngôn sứ Isaia và xuyên suốt 2000 năm truyền thống Kitô giáo. Chúng ta không thể phóng chiếu lề lối hiện hữu, suy nghĩ và yêu thương của mình vào Thiên Chúa. Nhất là khi chúng ta muốn hình dung một Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ. Lòng thương xót, tình yêu thương, và sự tha thứ không phải để cho Chúa, mà là cho chúng ta. Đó là bản tính của Thiên Chúa. Thiên Chúa không giận như như chúng ta.
Kinh Thánh và truyền thống Kitô giáo có nói về Thiên Chúa nổi giận, nhưng thần học Kitô giáo nói rõ ràng rằng, đó là sự nhân cách hóa, là một phóng chiếu suy nghĩ và cảm xúc của con người lên Thiên Chúa. Khi chúng ta nói rằng Thiên Chúa đang nổi giận hay đang trừng phạt chúng ta vì tội lỗi, về căn bản không phải chúng ta đang nói về cảm giác của Thiên Chúa với chúng ta, mà đúng hơn là cảm giác của chúng ta về Thiên Chúa và về bản thân cũng như hành động của mình.
Ví dụ như, khi thánh Phaolô nói rằng khi phạm tội, là chúng ta cảm nhận ‘cơn thịnh nộ của Thiên Chúa,’ ngài không có ý nói rằng Thiên Chúa nổi giận khi chúng ta phạm tội. Đúng hơn là, chúng ta nổi giận với chính mình khi phạm tội. Khái niệm về cơn thịnh nộ của Thiên Chúa là một ẩn dụ, và tôi cho là có thể minh họa qua một cuộc chè chén say sưa. Nếu người ta không tiết độ khi uống rượu, thì Thiên Chúa không hài lòng và cho người đó cơn đau đầu. Nhưng cái chuyện thịnh nộ đó phát xuất từ chính hành động đó. Nồng độ cồn quá cao gây hại não bộ, dẫn đến đau đầu. Cơn đau không phải từ Thiên Chúa, dù cho chúng ta có thể cảm nhận nó như sự trừng phạt, như cơn thịnh nộ của Chúa với sự vô trách nhiệm của chúng ta. Nhưng đây là một phóng chiếu của chúng ta, một sự nhân cách hóa.
Khi nói rằng chúng ta đã xúc phạm đến Chúa và Ngài nổi giận với chúng ta, không phải là chúng ta đang chúc tụng Chúa, mà chỉ là đang tâng bốc chính mình. Thiên Chúa không chỉ là nguồn gốc hiện hữu của chúng ta, là Đấng Tạo Hóa, và Đấng Vạn biến Bất biến. Thiên Chúa còn là một người yêu thương từng người một trong chúng ta tha thiết, nên thật tự nhiên khi hình dung đôi khi Thiên Chúa nổi giận, thật tự nhiên khi chúng ta phóng chiếu những giới hạn của mình lên Thiên Chúa. Nhưng trước tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, thì những suy nghĩ và cảm nhận, những năng lực hữu hạn của chúng ta để sống yêu thương trong đời, trở nên quá tầm thường. Thử hình dung xem, một người ông đầy yêu thương đang bồng ẵm đứa cháu sơ sinh của mình. Thử hỏi đứa bé đó có thể làm gì để xúc phạm đến ông của mình đây? Sự chín chắn, thông hiểu và yêu thương của Thiên Chúa chắc chắn vượt xa tột cùng. Làm sao Thiên Chúa bị xúc phạm được?
Nhưng, chẳng phải những lời nói về cơn giận của Thiên Chúa là một phần thiết yếu trong truyền thống, Kinh Thánh, lời kinh, Thánh vịnh, và phụng vụ của chúng ta hay sao? Tất cả đều nói về việc chúng ta xúc phạm Chúa và Ngài nổi giận. Những lời này chỉ viết cho có thôi sao? Không. Những lời này dạy chúng ta một sự thật quan trọng, dù cho sự thật đó được thể hiện theo kiểu nhân cách hóa. Chúng có dụng ý thách thức linh hồn, cũng một cách như chứng khó tiêu thách thức cơ thể. Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta vì ăn bậy bạ hay ăn quá nhiều. Mà là sinh học của chúng ta làm thế, và khi làm thế nó cho chúng ta dấu hiệu khó nuốt rằng chúng ta đang làm điều sai. Có thể nói ẩn dụ rằng, chứng khó tiêu như một thiên thần báo oán ném bạn vào cối xay của cơn thịnh nộ sinh học.
Thiên Chúa không ghét chúng ta khi chúng ta làm sai, mà là chúng ta tự ghét chính mình. Thiên Chúa không trút báo oán trên chúng ta khi chúng ta phạm tội, nhưng là chúng ta tự hành hạ mình. Và Thiên Chúa không bao giờ dè xẻn sự tha thứ với chúng ta dù cho chúng ta có làm gì đi nữa, nhưng chính chúng ta thấy thật khó để tha thứ cho những trái quấy của mình. Thật sự có một lưỡi hái thiên thần và cối xay thịnh nộ của Thiên thần, nhưng đó là tên cho cảm nghiệm bất mãn và tự thù ghét bản thân của chúng ta mỗi khi chúng ta bất tín. Chúng không liên quan gì đến bản tính của Thiên Chúa cả.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch