Tiếp tục cầu nguyện cho người đã khuất

Date:

Share post:

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser.

G.K. Chesterton nhận xét về truyền thống cầu nguyện cho người đã khuất như định nghĩa cho sự nối dài quyền công dân. Nó mang đến lá phiếu cho một tầng lớp người ít được biết đến nhất, người chết.

Đó là nền dân chủ bao gồm cả người chết. Truyền thống khước từ khép mình vào thể chế chính trị đầu sỏ nhỏ nhen và kiêu căng của những người đi vòng ngoài.

Ai tin vào sự bình đẳng đều phản đối chuyện một số người bị kỳ thị lúc sinh; truyền thống phản đối chuyện họ bị kỳ thị lúc chết.

Một phụ nữ viết thư nhờ tôi viết giải thích cho dì của bà về sự hiệp thông với các thánh và cầu nguyện cho người chết trong truyền thống kitô. Con trai dì chết trong một tai nạn, và có người nói dì không nên xin lễ cho con. Câu hỏi là: Chúng ta có nên tiếp tục cầu nguyện cho kẻ chết?

Nếu Chesterton đúng, và giáo lý Kitô ủng hộ điều ông nói thì, chúng ta cần kéo dài quyền công dân, chúng ta cần cầu nguyện cho người chết, cả qua xin lễ và qua cầu nguyện riêng.

Tại sao? Cầu nguyện có thể làm được gì tốt? Nhìn từ một quan điểm nào đó, cầu nguyện cho người chết có vẻ như ngớ ngẩn và không cần thiết. Tại sao chúng ta cầu nguyện cho người chết? Để nhắc Chúa xót thương? Thiên Chúa không cần ai nhắc nhở. Để nói với Chúa người thân của chúng ta không đến mức quá xấu? Thiên Chúa biết điều đó.

Thiên Chúa xót thương như chính tình yêu của Ngài đã nói lên điều ấy; Ngài yêu thương và thấu hiểu người thân đã khuất sâu đậm hơn chúng ta gấp ngàn lần.

Một anh sinh viên của tôi nói một câu đầy hoài nghi yếm thế: “Nếu người thân chúng ta đang ở hỏa ngục, thì cầu nguyện không giúp gì được họ, còn nếu họ ở thiên đàng thì họ đâu cần chúng ta cầu nguyện nữa!”

Vậy thì tại sao chúng ta cầu nguyện cho người chết?

Cũng cùng lý do như khi chúng ta cầu nguyện bất cứ chuyện gì: đơn giản chúng ta cần cầu nguyện. Những chỉ trích chống lại việc cầu nguyện cho người chết thì có thể dùng để chống lại cho mọi cầu nguyện. Thiên Chúa biết mọi sự, không cần phải nhắc Ngài về bất cứ điều gì. Tuy nhiên Thiên Chúa mời gọi chúng ta cầu nguyện, luôn luôn cầu nguyện.

Như chúng ta biết, cầu nguyện không phải thay đổi quả tim Thiên Chúa, mà là thay đổi quả tim chúng ta. Vì thế lý do trước hết chúng ta cần cầu nguyện cho người chết là vì việc cầu nguyện này giúp cho chúng ta, người sống. Chúng ta cầu nguyện để được an ủi. Kết hợp với điều này, chúng ta cầu nguyện cho người chết để giảm bớt mặc cảm tội lỗi, vì mình vẫn còn sống khi người khác chết, và vì mối tương giao chưa trọn vẹn của chúng ta với người chết. Khi cầu nguyện cho người chết, các thiếu sót của chúng ta với họ được gột sạch.

Chúng ta cầu nguyện cho họ vì, như chúng ta tin vào tín điều các thánh thông công, có một nguồn sống giữa họ và chúng ta. Tình yêu, sự hiện diện và hiệp thông xuyên qua cái chết. Họ và chúng ta vẫn ở trong  cộng đoàn của sự sống. Trong một phương diện có thật, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được tâm hồn của nhau.

Vì thế chúng ta cầu nguyện cho người đã qua đời để giữ giao tiếp với họ. Chỉ cần nắm tay người sắp chết, đã là một an ủi lớn cho họ, cũng vậy, một cách ẩn dụ nhưng có thật, chúng ta có thể nắm tay một ai đó đã ở phía bên kia cái chết.

Và giờ đây, nhiều hơn cả lúc họ còn sống, sự giao tiếp của chúng ta được gột sạch, sự thấu hiểu sâu đậm hơn, sự tha thứ có thể trọn vẹn, tầm nhìn rộng hơn, nỗi giận và những thiếu sót trở nên không còn quan trọng nữa. Giao tiếp với người đã mất là một đặc ân, nó phá tan phần lớn những gì ngăn cách chúng ta.

Chúng ta tin điều này, không chỉ vì nó an ủi chúng ta mà vì nó còn cho chúng ta sức mạnh và khích lệ cho người đã chết. Bằng cách nào? Trong cùng một cách như sự hiện diện yêu thương nhau mang đến sức mạnh và an ủi trên cuộc đời này.

Bạn hình dung một đứa trẻ đang tập bơi. Mẹ và gia đình không thể tập thay cho nó, nhưng sự có mặt của họ khuyến khích cho em tập bơi dễ hơn. Arthur Schopenhauer có nói: “Cái gì cũng có thể làm được, nếu được chia sẻ.”

Bằng cách cầu nguyện cho người chết chúng ta chia sẻ với họ sự thích nghi vào cuộc sống mới (cộng thêm với nỗi đau rời bỏ sự sống đời này). Trong lời cầu nguyện cho họ, chúng ta trao tặng sự khích lệ và tình yêu với họ như họ sinh ra trên quả đất này, và giờ đang đi đến một cuộc đời mới.

Nói theo cách cổ điển là, khi những người thân yêu của chúng ta chết, họ đến luyện ngục. Điều đó đúng, dù luyện ngục không nên hiểu là một nơi chốn tách biệt với thiên đàng. Đúng hơn nó là nỗi đau để đi vào thiên đàng và để được tình yêu trọn hảo ôm lấy khi chúng ta chưa hoàn hảo. Tình yêu có thể là một trải nghiệm của đau đớn.

Qua kinh nghiệm mất cha mẹ và những người tôi yêu sâu đậm, cũng như từ những điều người khác chia sẻ với tôi, tôi nhận ra rằng thường thì sau một thời gian, chúng ta cảm thấy không còn cần cầu nguyện cho người thân đã khuất nữa. Giờ chúng ta chỉ nói chuyện với họ.

Những gì trước đây là vắng bóng lạnh lẽo, xót xa nay trở thành hiện diện ấm áp. Họ vẫn ở với chúng ta.

 

Nguyễn Kim An dịch

Trừ tà Công giáo cần sự hỗ trợ của quý vị! Mọi thứ quý vị nhận được trên Trừ tà Công giáo đều miễn phí. Chúng tôi dựa vào sự đóng góp của quý vị để tiếp tục sản xuất nội dung chất lượng cao mà chúng tôi cung cấp mỗi ngày. Xin vui lòng giúp chúng tôi tiếp tục mang thông điệp của Tin Mừng đến với mọi người ở khắp mọi nơi thông qua giáo lý, kiến thức, kinh nghiệm, tin tức, câu chuyện về trừ tà và còn hơn thế nữa. Trân trọng cảm ơn!

Bài liên quan

“Hãy yêu kẻ thù”, nhưng “kẻ thù” là ai và “yêu” như thế nào?

Mt 5,43-48: “Hãy yêu kẻ thù”, nhưng “kẻ thù” là ai và “yêu” như thế nào? Lm. Giuse Lê Minh...

Satan, quỷ, Ác thần, tà thần trong Kinh Thánh

Satan, quỷ, Ác thần, tà thần trong Kinh Thánh Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.   Nội dung Dẫn nhập I. Từ...

Bốn vị Thánh nói về Kinh Mân Côi và trận chiến thiêng liêng

Là một trong những việc đạo đức phổ biến nhất của người Công giáo, chuỗi Mân Côi là...

Các thiên thần bản mệnh đang bị lãng quên

Hằng năm, Giáo Hội dành riêng ngày 2/10 để biệt kính các Thiên thần bản mệnh, cũng gọi...