Ai được quyền trừ quỷ công khai? Giáo dân có được phép trừ quỷ không?

Date:

Share post:

(TTCG) – Gần đây, có một số nhóm và cá nhân tự xưng là có năng lực và năng quyền trừ quỷ, từ đó họ tự ý thực hiện những hành vi trừ tà mang tính mê tín và ma thuật, không phù hợp với giáo lý và thực hành của Giáo Hội Công giáo. Để mọi người có thêm thông tin, ngõ hầu giúp ích cho việc phân định sáng suốt, không để mình bị lừa dối bởi những quan niệm và thực hành sai lạc, chúng tôi muốn cung cấp câu trả lời (dù có thể chưa đầy đủ) cho vấn đề “Ai được quyền trừ quỷ?” và ­”Giáo dân có được phép trừ quỷ hay không?”

Một lễ trừ tà tại Ý năm 1952.

Trước hết, trừ quỷ trọng thể là một hành vi công khai của Giáo Hội. Giáo Luật, điều 1172, khoản 2, nói rõ: “Đấng Bản Quyền địa phương chỉ ban phép trừ tà cho một linh mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan và có đời sống vẹn toàn.” Vì thế, không phải mọi linh mục bất kỳ, chỉ vì đã lãnh nhận chức linh mục, mà đương nhiên được phép trừ quỷ. Bởi vì theo điều 1172, khoản 1, thì “Không ai có thể trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, trừ khi có phép đặc biệt và minh nhiên của Đấng Bản Quyền địa phương”. Một linh mục có thể được giám mục chỉ định làm người trừ quỷ lâu dài hay cho một dịp đặc biệt.

Dù sao thì người trừ quỷ cũng phải theo hướng dẫn chặt chẽ của giám mục. Hơn nữa, Sách Nghi thức Trừ tà còn nói rằng: linh mục được chỉ định cần thực thi sứ vụ này với tất cả sự bền bỉ và khiêm nhường… Linh mục ấy phải ở độ tuổi chín chắn và được kính trọng không chỉ vì chức vụ nhưng còn vì phẩm cách đạo đức của ngài. Nói cách khác, linh mục được giám mục bổ nhiệm phải là một linh mục thánh thiện, sẽ đảm nhận chức vụ đầy quyền năng này với lòng khiêm nhường chứ không kiêu căng. Linh mục này cần nhận ra rằng ma quỷ rời bỏ một người, không phải vì quyền năng của cá nhân mình, mà do quyền năng của Thiên Chúa. Người trừ quỷ chỉ đơn giản là khí cụ Chúa dùng để trục xuất ác thần ra khỏi một cá nhân, một nơi chốn, hay một đồ vật. Hơn nữa, việc trừ tà trọng thể cho người bị “quỷ ám” hay “quỷ nhập” rất phức tạp và thường khó khăn. Ngoài ra, nó có thể gây nguy hiểm về phương diện thiêng liêng nếu không được thực hiện đúng cách. Nó đòi hỏi kinh nghiệm được đào luyện và giám sát chặt chẽ.

Đối với giáo dân thì sao?

Nói cách đơn giản, giáo dân không có quyền hạn hoặc thẩm quyền thích hợp để thực hiện một nghi lễ trừ quỷ. Điều này cũng đúng đối với các linh mục đang muốn thực hiện việc trừ quỷ mà không có phép của giám mục. Nếu trường hợp như vậy xảy ra, những người ấy đã hành động không vâng theo bề trên trực tiếp của mình và tự đặt mình vào mưu chước của ma quỷ.

Trong thư gửi các đấng bản quyền về các nguyên tắc trừ tà, ngày 29 tháng 9 năm 1985, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, lúc đó là Hồng y Ratzinger, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, đã viết: “Giáo dân không được phép sử dụng công thức trừ quỷ chống lại Satan và các thiên thần sa ngã, trích đoạn từ công thức của Đức Thánh Cha Lêô XIII, hay dùng toàn bản văn của nghi thức trừ quỷ này. Các giám mục nên cảnh báo giáo dân về điều đó, nếu cần thiết. Cuối cùng, cũng vì các lý do đó, đòi hỏi các giám mục phải cảnh giác, dù trong trường hợp không liên quan đến việc thực sự bị quỷ nhập, những ai không được ban năng quyền thì không thể hướng dẫn các cuộc hội họp có đọc lời cầu mà trong đó ma quỷ bị chất vấn trực tiếp và căn tính của chúng được tìm biết.”

Như đã nói, nghi thức trừ quỷ trọng thể công khai chỉ được thi hành bởi một giám mục hoặc linh mục có thẩm quyền. Giáo dân có thể hiện diện trong nghi thức, hỗ trợ công việc cho linh mục trừ quỷ bằng lời cầu nguyện của họ, được đọc cách riêng tư hay được chỉ dẫn trong nghi thức. Lưu ý rằng giáo dân không được đọc bất kỳ lời nguyện nào dành cho linh mục, không chỉ vì các lời nguyện ấy chỉ dành cho những người được phong chức để hành động nhân danh Đức Kitô là đầu, nhưng để bảo vệ giáo dân khỏi nhưng tổn hại tinh thần có thể gặp phải.

Ngoài ra, giáo dân có thể đọc những lời kinh nguyện trừ tà thông thường để nài xin Chúa cứu giúp giải thoát mình khỏi nanh vuốt ma quỷ. Những kinh nguyện này không nại đến bất kỳ quyền năng cá nhân nào trên ma quỷ. Những lời kinh nguyện như vậy, về mặt kỹ thuật, không phải là những lời nguyện “trừ quỷ”, mà chỉ là những kinh nguyện “giải thoát”.

Theo ý kiến và kinh nghiệm của các nhà trừ quỷ, hầu hết những người có vấn đề về ma quỷ đều không bị quỷ nhập hay quỷ ám hoàn toàn và không cần một nghi lễ trừ quỷ trọng thể. Họ có thể đang trải qua sự áp chế, ám ảnh hoặc quấy rối của ma quỷ mà có thể áp dụng các lời kinh nguyện giải thoát hoặc một nghi lễ trừ tà đơn giản. Bất cứ người giáo dân nào cũng có thể sử dụng một cách hợp lệ những lời kinh nguyện giải thoát. Họ có thể khẩn cầu quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô để xin ơn giải thoát. Tuy nhiên, vì sự an toàn thiêng liêng của chính họ, chúng tôi khuyên họ nên ở trong tình trạng được ơn nghĩa với Chúa và phải được chuẩn bị cũng như lựa chọn về phương diện thiêng liêng cho một tác vụ như vậy.

Trừ tà Công giáo cần sự hỗ trợ của quý vị! Mọi thứ quý vị nhận được trên Trừ tà Công giáo đều miễn phí. Chúng tôi dựa vào sự đóng góp của quý vị để tiếp tục sản xuất nội dung chất lượng cao mà chúng tôi cung cấp mỗi ngày. Xin vui lòng giúp chúng tôi tiếp tục mang thông điệp của Tin Mừng đến với mọi người ở khắp mọi nơi thông qua giáo lý, kiến thức, kinh nghiệm, tin tức, câu chuyện về trừ tà và còn hơn thế nữa. Trân trọng cảm ơn!

Bài liên quan

“Hãy yêu kẻ thù”, nhưng “kẻ thù” là ai và “yêu” như thế nào?

Mt 5,43-48: “Hãy yêu kẻ thù”, nhưng “kẻ thù” là ai và “yêu” như thế nào? Lm. Giuse Lê Minh...

Satan, quỷ, Ác thần, tà thần trong Kinh Thánh

Satan, quỷ, Ác thần, tà thần trong Kinh Thánh Tác giả: Giuse Lê Minh Thông, O.P.   Nội dung Dẫn nhập I. Từ...

Bốn vị Thánh nói về Kinh Mân Côi và trận chiến thiêng liêng

Là một trong những việc đạo đức phổ biến nhất của người Công giáo, chuỗi Mân Côi là...

Các thiên thần bản mệnh đang bị lãng quên

Hằng năm, Giáo Hội dành riêng ngày 2/10 để biệt kính các Thiên thần bản mệnh, cũng gọi...