(Crux) – Một nhóm các nhà trừ quỷ được Vatican công nhận đã đưa ra một cuốn cẩm nang mới cho các nhà thực hành nghi thức trừ quỷ của Giáo hội, trong số nhiều hướng dẫn khác, cẩm nang này khẳng định rằng năng quyền thực hiện việc trừ quỷ thuộc về các linh mục được giám mục giáo phận của các linh mục đó chỉ định và không bởi ai khác.
Theo số liệu của nhóm này, động thái này phản ứng với nhận thức rằng có quá nhiều nhà trừ quỷ giả mạo, cả giáo sĩ và giáo dân, là những người tuyên bố thực hiện việc trừ quỷ nhưng thực ra họ không được phép làm như vậy.
Cuốn cẩm nang, hay Vademecum (Đi cùng tôi), được xuất bản vào tháng 5 bằng tiếng Ý và được Hiệp Hội Các Nhà Trừ Quỷ Quốc Tế biên soạn, một cơ quan được thành lập năm 1990 bởi một nhóm gồm sáu linh mục, bao gồm cả linh mục người Ý Gabriele Amorth, là người phục vụ từ năm 1986 cho đến khi qua đời vào năm 2016 như một nhà trừ quỷ cho Giáo phận Rôma, và là người đã từng nói rằng đã thực hiện hơn 50.000 lần trừ quỷ trong suốt sự nghiệp của mình.
Hiệp hội đã được Bộ Giáo Sĩ của Vatican công nhận năm 2014. Phần lớn các thành viên của hiệp hội là ở Ý.
Tiêu đề của Vademecum là “Hướng dẫn Mục vụ Trừ quỷ: trong Ánh sáng của Nghi thức hiện tại”. Ban đầu đó là một tài liệu nội bộ chỉ dành cho các thành viên của hiệp hội, nhưng hiện tại tài liệu đó được nhà xuất bản người Ý Edizioni Messaggero Padova cung cấp cho công chúng.
Theo một tuyên bố được đưa ra bởi Hiệp hội Trừ quỷ Quốc tế, dù các hướng dẫn không phải là một tài liệu chính thức của Giáo hội, nhưng nội dung của tài liệu đã được các cơ quan của Vatican xem xét trước khi xuất bản. Theo tuyên bố, quyết định công khai các hướng dẫn được thúc đẩy bởi mong muốn “mang lại trật tự cho các vấn nạn về hành động của ma quỷ và giải thoát khỏi ma quỷ, để tránh rơi vào những lừa dối và ảo tưởng nguy hiểm”.
Là một phần trong việc nhấn mạnh rằng chỉ các linh mục được giám mục của mình giao nhiệm vụ cụ thể thì mới có thể thực hiện trừ quỷ, văn bản cung cấp các lập luận thần học về lý do tại sao quyền năng của Chúa Kitô được truyền lại qua Giáo hội, chứ không phải “công thức trừ quỷ hiệu nghiệm hoặc ‘quyền năng’ của một linh mục” xác định hiệu quả của nghi thức trừ quỷ.
Các hướng dẫn đưa ra ba lý do tại sao công việc mục vụ trừ quỷ chỉ giới hạn ở các linh mục cụ thể được chỉ định làm nhiệm vụ:
Chỉ có các linh mục được Giáo Hội trao quyền mới có nhiệm vụ nhân danh Chúa để “ra lệnh cho những con quỷ phải xuất ra, không còn làm hại các sinh linh con người vì bất kỳ lý do gì”.
Chức vụ trừ quỷ không chỉ là đọc kinh, mà là “phân biệt và đồng hành với tín hữu bị ma quỷ hành hạ”, nhiệm vụ mục vụ “chiếm một vị trí rất quan trọng và thiết yếu”.
Nếu một giám mục bổ nhiệm một nhà trừ quỷ, ngài cũng có trách nhiệm đảm bảo rằng linh mục đó phải được “chuẩn bị cụ thể để linh mục ấy phù hợp hơn bất kỳ ai khác để biện phân hành động lạ thường của ma quỷ”.
Các hướng dẫn cảnh báo rằng các linh mục và giáo dân không được trao quyền, nếu cứ gắng thực hiện trừ quỷ mà không được phép thì thực sự có thể mở ra cánh cửa cho ảnh hưởng của ma quỷ nhiều hơn nữa lên những người mà họ đang cố gắng giúp đỡ. Bản hướng dẫn cũng khẳng định rằng một nhà trừ quỷ hợp pháp được Giáo hội trao quyền không được phép yêu cầu bất kỳ khoản thanh toán nào cho các công việc mục vụ của mình.
Phần lớn văn bản được dành để hướng dẫn phân biệt đâu là những khó khăn tâm lý hoặc cảm xúc thông thường và đâu là ảnh hưởng cụ thể của quyền lực ma quỷ.
“Thông thường, đối mặt với những khó khăn của cuộc sống, một số người có thể kết luận rằng ‘mọi thứ đã sai’ vì ‘có ai đó đang làm một việc gì đó’”, văn bản cảnh báo. Đây có thể chỉ là một bằng chứng ngoại phạm làm [người ta] xao lãng khỏi những giáo huấn quan trọng nhất”.
Các hướng dẫn cũng trích dẫn các hành vi cụ thể có thể trở thành dịp để ma quỷ ảnh hưởng lên mọi người, bao gồm cả mê tín và làm các trò phù thủy.
Các hướng dẫn này được ban hành sau nhiều năm lo ngại về những gì một thành viên của Hiệp hội Trừ quỷ Quốc tế mô tả trong năm 2017 là các hành vi trừ quỷ theo kiểu “Do-it-yourself” (Tự làm), đôi khi có liên quan đến các trường hợp lạm dụng tình dục. Trong cuộc họp mặt năm 2017 đó, các thành viên đã chỉ ra một trường hợp ở Palermo, trong đó một linh mục không được phép thực hiện trừ quỷ nhưng cứ trừ quỷ cho các phụ nữ địa phương cho rằng mình bị quỷ ám và linh mục này đã bị buộc tội lạm dụng tình dục trong quá trình trừ quỷ này, kể cả trong một số trường hợp, lạm dụng tình dục trẻ gái vị thành niên.
Cuộc thảo luận đó đã được mở ra sau khi một bộ phim tài liệu nổi tiếng của Ý tên là Liberarmi (dịch cho bản phát hành tiếng Anh với tên là “Delivery Us”[Xin giải thoát chúng con]), trong đó có một nhà trừ quỷ người Sicilia nổi tiếng là Cha Cataldo Migliazzo. Bộ phim đã ghi nhận sự quan tâm toàn cầu ngày càng tăng đến việc trừ quỷ, và cũng đặt ra câu hỏi về những nỗ lực của Giáo hội thực hiện giám sát việc thực hành trừ quỷ.
Phêrô Phạm Văn Trung (dịch)