James Akin
“Người Công giáo thờ tượng ảnh!” là câu nói nực cười mà nhiều người ngày nay vẫn kết án người Công giáo như vậy. Họ thấy người Công giáo trưng ảnh tượng trong nhà thờ và cầu nguyện trước ảnh tượng, họ cho rằng chúng ta đã vi phạm giới răn của Thiên Chúa: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ” (Xh 20, 4-5). “Than ôi, dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng” (Xh 32, 31).
Bài sau đây sẽ đề cập đến những lập luận của người Tin lành khi chống đối một tập tục xưa của Kitô hữu về việc dùng ảnh tượng, và sẽ đưa ra những dẫn chứng trong Tin Mừng.
Trước hết, phải nói ngay là việc khuyến cáo người Kitô hữu về tội thờ ngẫu tượng thì rất đúng. Nhưng chỉ vì họ có hình ảnh của Ðức Kitô và các thánh mà kết án họ là người thờ ngẫu tượng thì hoàn toàn không đúng. Có thể sự kết án dựa trên sự hiểu biết sai lầm hoặc thiếu hiểu biết Sách Thánh về mục đích và việc sử dụng (xấu cũng như tốt) các ảnh tượng.
Loraine Boettner, một nhà văn chuyên đả kích Công giáo, trong cuốn Roman Catholicism (Công giáo La Mã), ông cho rằng có ảnh tượng đã là một tội, bởi vì “Thiên Chúa cấm dùng hình ảnh trong việc thờ phượng” (tr. 281). Nhiều người Tin lành nắm lấy luận điệu này để kết án người Công giáo, tuy nhiên nếu họ thực sự “tìm kiếm trong Sách Thánh”, họ sẽ thấy sự thật trái ngược. Thiên Chúa không những không kết án việc sử dụng ảnh tượng trong việc thờ phượng mà thực sự Người còn ra lệnh sử dụng!
Thiên Chúa ra lệnh tạc tượng
Trong khi người Tin lành trích sách Xuất hành 20, 4-5 để bênh vực điều họ kết án người Công giáo “thờ ngẫu tượng,” họ đã bỏ quên nhiều điều trong các đoạn khác mà Thiên Chúa ra lệnh tạc tượng: “Ngươi sẽ làm hai tượng Kêrubim bằng vàng gò, ngươi sẽ làm các tượng ấy ở hai đầu nắp. Ngươi sẽ làm một tượng ở đầu này, một tượng ở đầu kia; ngươi sẽ làm các tượng Kêrubim gắn liền với nắp, ở hai đầu. Các tượng Kêrubim có cánh giương lên và phủ trên nắp. Hai tượng đối diện với nhau, cùng cúi mặt xuống nắp” (Xh 25, 18-20).
Vua Ðavít đưa cho Salomon bản phác họa “bao nhiêu vàng tinh luyện cho hương án; vua Đavít cũng trao mẫu chiếc xe và mẫu các Kêrubim bằng vàng xoè cánh trên Hòm Bia Giao Ước của Đức Chúa. Tất cả đều ở trong một văn bản chính tay Đức Chúa viết để cho vua biết rõ mọi chi tiết trong dự án” (1 Sb 28, 18-19). Cần lưu ý là tất cả những điều này được chỉ thị theo sự linh ứng của Thiên Chúa.
Sách ngôn sứ Êzêkiel 41, 17-19 mô tả hình ảnh được tạc trong Ðền Thờ: “Trên mọi bức tường khắp chung quanh, cả trong lẫn ngoài, đều có ochạm trổ những hình Kêrubim và hình cây chà là, một cây chà là ở giữa hai Kêrubim; mỗi Kêrubim có hai mặt: mặt người quay về cây chà là phía bên này và mặt sư tử quay về cây chà là phía bên kia, trên cả Đền Thờ, khắp chung quanh”.
Việc sử dụng ảnh tượng trong tôn giáo
Trong thời kỳ tai ương mà Thiên Chúa dùng rắn để phạt những người Israel tội lỗi, Thiên Chúa nói với ông Môsê: “Ngươi hãy làm một con rắn và treo lên một cây cột. Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống. Ông Môsê bèn làm một con rắn bằng đồng và treo lên một cây cột. Và hễ ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng, thì được sống” (Ds 21, 8-9).
Sự kiện một người nhìn vào tượng rắn đồng để được sống cho thấy tượng có thể được dùng trong nghi lễ, chứ không chỉ là trang sức tôn giáo.
Người Công giáo dùng ảnh tượng, và những sản phẩm nghệ thuật khác để nhớ lại một người hay vật được miêu tả. Cũng như khi nhìn vào hình ảnh của người mẹ giúp chúng ta nhớ đến mẹ của mình, thì khi nhìn đến ảnh tượng các thánh cũng giúp chúng ta nhớ đến gương mẫu của các ngài. Người Công giáo cũng dùng ảnh tượng như những phương tiện giáo dục. Vào thời Giáo Hội tiên khởi, ảnh tượng đặc biệt hữu ích để giáo dục những người không biết chữ. Chính nhiều người Tin lành cũng dùng hình ảnh của Chúa Giêsu và các nhân vật trong Tin Mừng để dạy giáo lý cho trẻ em, nhất là các em chưa biết đọc. Người Công giáo cũng dùng ảnh tượng để nhớ đến một người nào hay biến cố nào, cũng giống như nhà thờ Tin lành dùng cảnh hang đá trong dịp Giáng Sinh.
Nếu dùng những quy tắc đó để đánh giá người Tin lành, thì bởi việc dùng ảnh tượng, họ cũng đang “thờ ngẫu tượng” như điều mà họ kết án người Công giáo. Nhưng sự thật là trong những trường hợp này không có việc thờ ngẫu tượng. Thiên Chúa cấm thờ ảnh tượng, nhưng cách tổng quát Người không cấm việc tạo nên ảnh tượng. Nếu thật sự Người cấm, thì những phim ảnh, video, tranh vẽ, và đủ mọi loại khác cũng bị cấm, vì đó cũng là những hình ảnh.
Còn việc cúi mình, bái chào thì sao?
Ðôi khi những người bài bác đạo Công giáo trích dẫn sách Đệ nhị luật 5, 9, là đoạn Thiên Chúa nói về ảnh tượng, “Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ”. Vì nhiều người Công giáo thường cúi đầu hay quỳ gối trước tượng Chúa Giêsu và các thánh, những người bài bác đạo Công giáo đã lẫn lộn giữa việc tôn kính một bức ảnh thiêng liêng với tội thờ ngẫu tượng. Sự thật thì sách Đệ nhị luật đoạn 5 câu 9 không hỗ trợ lý luận bài bác Công giáo.
Trước hết, hãy nhớ rằng mặc dù việc cúi đầu có thể là một điệu bộ trong sự thờ phượng, nhưng không phải tất cả sự cúi chào đều là sự thờ phượng. Thí dụ, người Việt Nam và người Nhật có thói quen cúi chào để tỏ ra sự tôn trọng và lễ độ (giống như cái bắt tay của người phương Tây). Hiển nhiên là không có chuyện “thờ phượng” trong điệu bộ đó. Người Công giáo quỳ trước ảnh tượng khi cầu nguyện thì không phải là thờ phượng hay cầu xin bức tượng đó, cũng không khác gì người Tin lành quỳ với sách Tin Mừng trong tay khi cầu nguyện mà không có nghĩa thờ phượng hay cầu xin với sách Tin Mừng.
Khi dân chúng phải nhìn đến tượng rắn đồng để được chữa lành, họ không thờ phượng con rắn, như được minh chứng bởi sự kiện là nhiều năm sau khi họ thờ rắn, và ngay cả đặt tên cho nó như một thần rắn (”Nehushtan”), vị vua chính trực Hezekiah đã ra lệnh tiêu hủy các tượng rắn ấy (2 V 18, 4).
“Che giấu” Ðiều Răn Thứ Hai?
Một điều kết án khác của người Tin lành là Giáo Hội Công giáo “giấu diếm” Điều răn thứ hai. Vì trong sách giáo lý, đạo Công giáo viết Điều răn thứ nhất là: “Ngươi không được có chúa nào khác ngoài Ta” (Xh 20, 3) và Điều thứ hai: “Chớ kêu tên Thiên Chúa vô cớ” (Xh 20,7). Họ cho rằng người Công giáo đã bỏ phần cấm thờ ngẫu tượng để biện minh cho việc sử dụng ảnh tượng tôn giáo.
Ðiều đó không đúng. Sự thật là người Công giáo sắp đặt các điều răn khác với người Tin lành và tóm gọn các điều răn để dễ nhớ.
Ðối với người Tin lành, sự tóm gọn đó có thể chấp nhận được vì bản dịch về điều răn ngày Sabát của họ cũng được giản lược, “Hãy nhớ ngày Sabát và giữ ngày ấy cách thánh thiện,” mặc dù bản văn thực sự về điều răn này rất dài dòng: “Ngươi hãy nhớ ngày sabát, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sabát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sáu ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi, và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày sabát và coi đó là ngày thánh” (Xh 20, 8-11).
Martin Luther công nhận là câu “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch Ta” (Xh 20, 3) và “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.” (Xh 20, 4) là hai phần của một điều răn, và ông đã tóm gọn thành “Ngươi không được có chúa nào khác ngoài Ta.”
Sách Giáo Lý Công Giáo giải thích: “Việc phân chia và đánh số các điều răn có thay đổi theo dòng thời gian. Sách Giáo Lý này dựa theo cách phân chia của thánh Augustinô đã trở thành truyền thống trong Hội Thánh Công Giáo. Các hệ phái Luther cũng theo cách phân chia này. Các Giáo phụ Hy Lạp phân chia hơi khác; cách phân chia đó còn gặp thấy trong các Giáo Hội Chính thống và các cộng đoàn Cải cách” (Đ. 2066).
Một số người bài bác đạo Công giáo nêu ra sách Đệ nhị luật 4, 15-18, viết rằng “Anh em đã không thấy hình bóng nào, ngày Đức Chúa phán với anh em tại núi Khôrép, từ trong đám lửa; vì thế đừng có ra hư hỏng mà làm cho mình một tượng mang hình ảnh bất cứ cái gì: hình người nam hay người nữ, hình bất cứ loài vật nào trên mặt đất, hình bất cứ loài chim chóc nào bay trên trời, hình bất cứ loài nào bò dưới đất, hình bất cứ loài cá nào ở trong nước phía dưới mặt đất.” Họ cố dùng đoạn văn này để “chứng minh” việc cấm đoán ảnh tượng.
Chúng ta đã chứng minh rằng Thiên Chúa không cấm đoán việc đúc tượng hay hình ảnh của các tạo vật (chẳng hạn như thiên thần, rắn, bò, bông hoa, sư tử, v.v..) với mục đích tôn giáo (xem Sách Các Vua quyển I các đoạn 6, 29-32; 8, 6-677; 2 Sb 3, 7-14). Nhưng còn những ảnh tượng tượng trưng cho chính Thiên Chúa thì sao? Nhiều người Tin lành nói rằng điều đó cũng sai lầm vì sách Đệ nhị luật chương 4 nói Thiên Chúa không có hình thể, bởi thế chúng ta không được tạo hình ảnh gì về Người. Nhưng chương 4 sách Đệ nhị luật có thực sự cấm những hình ảnh của Thiên Chúa không?
Câu trả lời là Không
Thuở ban đầu của lịch sử Israel, họ bị cấm không được dùng bất cứ hình ảnh nào về Thiên Chúa vì Người chưa tự tỏ mình ra. Nếu để người Do Thái thể hiện sự miêu tả về Thiên Chúa, rất có thể họ sẽ thờ Người dưới hình dạng của một con thú hay một vật trong thiên nhiên (chẳng hạn như con bò hay mặt trời) cũng giống như những người không có đạo thờ các hình ảnh này.
Nhưng về sau Thiên Chúa đã tỏ mình ra trong những hình thể nhìn thấy được, tỉ như trong sách ngôn sứ Đanien 7, 9: “Tôi đang nhìn thì thấy đặt những chiếc ngai và một Đấng Lão Thành an toạ. Áo Người trắng như tuyết, tóc trên đầu Người tựa lông chiên tinh tuyền. Ngai của Người toàn là ngọn lửa, bánh xe của ngai cũng rừng rực lửa hồng.” Chính người Tin lành miêu tả Thiên Chúa Cha dưới hình ảnh này khi họ minh họa những điều tiên tri trong Cựu Ước.
Chúa Thánh Thần tự tỏ mình ra tối thiểu dưới hai hình thức nhìn thấy được — một là hình chim bồ câu, khi Chúa Giêsu chịu thanh tẩy (Mt 3,16; Mc 1,10; Lc 3,22 và Ga 1, 32) — và một là hình lưỡi lửa, vào ngày Hiện Xuống (Cv 2, 1-4). Người Tin lành dùng những hình ảnh này (nhất là hình chim bồ câu) khi họ vẽ những cảnh trong Tin Mừng và khi họ đeo trên vạt áo hình Chúa Thánh Thần hay hình bồ câu treo ở trong xe.
Nhưng quan trọng hơn nữa, hãy để ý rằng trong sự Nhập Thể của Ðức Kitô Giêsu, Thiên Chúa đã cho nhân loại một hình ảnh về chính Người. Thánh Phaolô nói “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của loài thụ tạo.” Chính Ðức Kitô là “hình ảnh” hiển nhiên của Thiên Chúa vô hình, vô tận.
Chúng ta cũng biết rằng các nhà chiêm tinh “vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và một dược mà dâng tiến” (Mt. 2,11).
Nói cho cùng, người Tin lành cũng dùng đủ mọi loại hình ảnh tôn giáo: Hình Chúa Giêsu và các nhân vật trong Kinh Thánh xuất hiện đầy dẫy trong các sách Phúc Âm, áo T-shirt, đồ nữ trang, các “bumper sticker”, thiệp chúc mừng, bìa CD, cassette, và cảnh hang đá. Ngay cả Ðức Kitô cũng được tượng trưng bằng dấu hiệu Icthus – hình “con cá” rất phổ thông trong giáo phái Evangelical ở Hoa Kỳ.
Từ khi Thiên Chúa tỏ lộ chính Người qua nhiều hình ảnh khác nhau, đặt biệt nhất là trong Ðức Kitô Giêsu, lương tri cho chúng ta biết là không có gì sai trái khi dùng những hình ảnh này để gia tăng và làm sâu đậm hơn sự hiểu biết và tình yêu Thiên Chúa. Ðó chính là mục đích của các ảnh tượng Chúa Giêsu và các thánh của người Công giáo. Ðó là những hình ảnh tượng trưng cho những người mà chúng ta không thể thấy bằng mắt thường.
Thờ ngẫu tượng bị Giáo Hội kết án
Kể từ thời các Tông đồ, Giáo Hội Công giáo đã rõ ràng và liên lỉ kết án tội thờ ngẫu tượng. Các Giáo phụ thời tiên khởi đã cảnh cáo việc vi phạm tội này, và các công đồng của Giáo Hội cũng đã giải quyết vấn đề này. Sau đây là một vài thí dụ:
Công đồng Trentô (1566) dạy rằng, được xem là tội thờ ngẫu tượng khi “thờ các tượng thần và hình ảnh như thờ Chúa, hoặc tin rằng những tượng ấy thánh thiêng hay có đức tính đáng được thờ phượng, để cầu xin, hay đặt tin tưởng nơi các tượng thần ấy” (t. 374).
Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (1993) giải thích rằng “Thánh Kinh luôn nhắc nhở phải từ bỏ các ngẫu tượng ‘chỉ là vàng bạc, chỉ do tay người thế tạo thành’, ‘có mắt có miệng, không nhìn không nói.’.. Các ngẫu tượng là hão huyền nên ai thờ ngẫu tượng sẽ trở thành hão huyền: ‘Kẻ làm ra hoặc tin ở tượng thần, cũng giống như chúng vậy’ (Tv 115,4-5.8). Trái lại, Thiên Chúa là ‘Thiên Chúa Hằng Sống’ (Gs 3,10), Đấng làm cho sống và can thiệp vào lịch sử.”
“Thờ ngẫu tượng không phải chỉ là những việc thờ phượng sai lạc của dân ngoại. Nó còn là cám dỗ thường xuyên đối với đức tin. Thờ ngẫu tượng cốt tại việc thần thánh hóa những gì không phải là Thiên Chúa. Thờ ngẫu tượng là khi con người tôn thờ và kính bái một thụ tạo thay vì Thiên Chúa, cho dù đó là thần linh hay ma quỷ (chẳng hạn đạo thờ Satan), quyền lực, khoái lạc, chủng tộc, tổ tiên, Nhà Nước, tiền bạc, v.v… Chúa Giêsu dạy: ‘Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được’ (Mt 6,24). Rất nhiều vị tử đạo đã chết vì không chịu thờ lạy ‘Con Thú’, dù chỉ giả vờ thôi. Thờ ngẫu tượng là khước từ quyền chủ tể duy nhất của Thiên Chúa; vì vậy, nó không thể đi đôi với sự hiệp thông với Thiên Chúa.”
“Đời sống con người được thống nhất trong việc tôn thờ Đấng duy nhất. Điều răn dạy tôn thờ Chúa duy nhất đơn giản hóa con người và cứu họ khỏi sự phân tán vô hạn. Thờ ngẫu tượng là sự lệch lạc của cảm thức tôn giáo, một cảm thức vốn bẩm sinh nơi con người. Người thờ ngẫu tượng là người ‘gán ý niệm bất diệt về Thiên Chúa cho bất cứ thứ gì không phải là Thiên Chúa’.” (2112-2114).