BROOKVILLE, Ind. (CNS) — Cha Vincent Lampert đã đi đến cùng trời cuối đất để thực thi sứ vụ trừ tà chống lại ma quỷ.
Từ Nam Phi đến Alaska và những vùng ở giữa, cha xứ của Giáo xứ Thánh Micae ở Brookville và Giáo xứ Thánh Phêrô ở Quận Franklin đã thực hiện tác vụ này kể từ năm 2005.
Khi Đức TGM Indianapolis Daniel M. Buechlein bổ nhiệm ngài vào tác vụ này cách đây 16 năm, lúc ấy cả Hoa Kỳ chỉ có 12 linh mục làm tác vụ trừ tà. Ngày nay, con số đã lên đến 125 vị.
Hiện nay, là một trong những nhà trừ quỷ lão luyện nhất tại Hoa Kỳ, Cha Lampert thường được mời đến để cố vấn cho các linh mục mới được bổ nhiệm vào tác vụ, hoặc đôi khi thực hiện các cuộc trừ tà ở những địa điểm xa xôi.
Năm 2019, ngài đã đến Alaska để giúp một nhà trừ quỷ mới được bổ nhiệm trong một trường hợp đặc biệt.
“Chúng tôi ở một ngôi làng Eskimo cách Anchorage khoảng 300 dặm về phía tây,” Cha Lampert nói. “Một ngôi làng nhỏ bé. Và chúng tôi ở đó trong nhà thờ để thực hiện một cuộc trừ tà.”
Vị linh mục đã chia sẻ một số kinh nghiệm của mình trong cuốn sách “Exorcism: The Battle Against Satan and His Demons” (Trừ tà: Trận chiến chống lại Satan và quỷ dữ) do Emmaus Road Publishing xuất bản vào mùa thu năm ngoái.
Trong cuốn sách, ngài so sánh những người trừ tà với các chuyên gia y tế đi khắp nơi và tư vấn để giúp đỡ mọi người bằng kiến thức chuyên môn của mình.
Ngài viết rằng người Công giáo, với sự giúp đỡ của các cha xứ của họ, có thể chống lại ma quỷ thông qua đời sống đức tin bình dị của họ.
“Cuối cùng, chính những khía cạnh rất bình dị của đức tin bảo vệ chúng ta khỏi ma quỷ: tham dự thánh lễ, cử hành các bí tích, cầu nguyện, đọc Sánh Thánh,” Cha Lampert nói. “Chính những khía cạnh bình dị của đức tin sẽ bảo vệ chúng ta khỏi ma quỷ.”
Vị linh mục được bổ nhiệm làm nhà trừ quỷ của Tổng Giáo phận sau khi người tiền nhiệm, Đức ông. John Ryan, qua đời. Đức ông. John Ryan là người rất kín đáo trong tác vụ của mình, ngài đã không nói về điều đó một cách công khai.
Vì lý do đó, và vì có quá ít nhà trừ quỷ ở Hoa Kỳ vào năm 2005, Cha Lampert không biết làm cách nào để tìm hiểu về tác vụ này.
“Tôi không biết nhờ cậy ai cả,” Cha Lampert nhớ lại. “Những hiểu biết và kinh nghiệm của Đức ông Ryan cũng đã theo Đức ông về thế giới bên kia,” ngài nói với The Criterion, tờ báo của Tổng Giáo phận Indianapolis.
Trong thời gian nghỉ ngơi ở Roma ngay sau khi được bổ nhiệm làm nhà trừ quỷ, ngài được một linh mục dòng Phanxicô ở đó hướng dẫn. Vị linh mục này đã được Cha Candido Amantini, dòng Thương Khó, đào tạo thành nhà trừ quỷ, Cha Amantini là nhà trừ quỷ chính của Giáo phận Roma trong nhiều thập kỷ.
“Giáo Hội dạy rằng cách tốt nhất để trở thành một nhà trừ quỷ là mô hình tập vụ”, Cha Lampert nói.
Tuy nhiên, việc quan sát người hướng dẫn của mình thực hiện các cuộc trừ tà đôi khi cũng gây sốc, vị linh mục viết, ngài nói rằng vị linh mục hướng dẫn của mình không bao giờ nao núng, ngay cả khi một người bị quỷ nhập bắt đầu bay lên.
“Khi con quỷ cười một cách điên cuồng và bắt đầu bay lên, vị linh mục đặt tay lên đầu người đó và đẩy con quỷ đang bộc lộ trở lại ghế, trong khi không bao giờ ngưng đọc lời nguyện trừ tà của Giáo Hội”, Cha Lampert viết. “Tôi phải nói rằng lúc đó tôi đã nghĩ, ‘Giám mục của tôi đã bổ nhiệm tôi vào chuyện gì vậy?’”
Nhiều năm sau và với kinh nghiệm của mình, Cha Lampert không hề ngạc nhiên trước sự xuất hiện của ma quỷ.
“Tôi không quan tâm đến việc xem những chiêu trò của ma quỷ”, ngài nói. “Điều cốt yếu là quyền năng của Thiên Chúa và những gì Người đang làm trong đời sống của những người bị quỷ nhập”.
Ngài rất vui khi thấy sự thăng tiến trong mục vụ trừ tà ở Hoa Kỳ và cho rằng điều này một phần là nhờ sự chú ý đến tác vụ trừ tà của các vị Giáo hoàng gần đây.
“Nếu Giáo Hội không sẵn lòng giúp đỡ những người tìm đến mình và tin rằng họ đang phải đối mặt với ảnh hưởng của ma quỷ, thì họ sẽ tìm đến nơi khác”, ngài nói. “Và nơi họ tìm đến không nhất thiết mang lại cho họ sự giúp đỡ mà họ cần. Trên thực tế, điều đó có thể làm họ đổ vỡ và suy sụp hơn nữa”.
Ngài cho biết sự thăng tiến cũng có thể đến nhờ sự cởi mở khi nói về tác vụ này, điều mà ngài đã thực hiện trên khắp thế giới.
“Ngày nay, nhiều người bị ma quỷ mê hoặc hơn là quyền năng của Chúa”, Cha Lampert nói. “Chúng ta không bao giờ nên tin rằng Thiên Chúa và ma quỷ đang ở trên cùng một sân chơi. Ma quỷ vẫn luôn là một thụ tạo”.
Giám mục phụ tá Jeffrey S. Grob của Chicago được bổ nhiệm làm nhà trừ quỷ cho Tổng Giáo phận của mình vào năm 2006. Ngài và Cha Lampert đã quen biết nhau trong nhiều thập kỷ, khi cùng là chủng sinh trước khi được thụ phong vào đầu những năm 1990.
Đức cha Grob đánh giá cao sự cởi mở của Cha Lampert khi phát biểu công khai về tác vụ trừ tà.
“Có một số ít người ở ngoài kia, cố gắng xây dựng sự cân bằng lành mạnh trong việc hiểu biết về tác vụ,” vị giám mục cho biết. “Có rất nhiều hiểu biết lệch lạc về tác vụ. Cha Lampert là người rất vững vàng trong đức tin, trong việc thực hành đức tin và trong việc giảng dạy đức tin.”
“Ngài ấy có sự phân định tốt. Ngài nhìn vào một tình huống và thấy được tình huống đó là gì và không phải là gì,” Đức cha nói thêm.
Cha Lampert cho biết cách tiếp cận của Giáo Hội đối với hoạt động của ma quỷ nằm ở một lập trường trung dung lành mạnh giữa hai quan điểm cực đoan.
“Có những người không tin vào thực tại của một sự dữ được nhân cách hóa”, ngài nói. “Họ sẽ nói rằng sự dữ không gì hơn là cách đối xử vô nhân đạo của con người với nhau. … Sau đó, có mặt trái của điều đó, nghĩa là có những người nhìn thấy ma quỷ đằng sau mọi thứ và rằng tất cả chúng ta đều là nạn nhân đáng thương của những gì ma quỷ đang cố gắng làm”.
Trong cuốn sách của mình, Cha Lampert nói rằng trong khi ngài khẳng định thực tại của ma quỷ và của những con quỷ đang hành hạ con người, ngài “được đào luyện để trở thành một người hoài nghi”.
“Tôi nên là người cuối cùng tin rằng ai đó bị quỷ nhập”, ngài viết. “Tôi phải cạn mọi lời giải thích hợp lý về những gì đang diễn ra nơi người đó. Do đó, các chuyên gia trong y khoa và tâm thần học luôn được tham khảo ý kiến”.
Khi đã cạn những lời giải thích, ngài sẵn sàng sử dụng các phương tiện thiêng liêng mà Giáo Hội cung cấp.
Đôi khi, phải mất một thời gian dài để tác vụ của một nhà trừ quỷ có được hiệu quả mong muốn. Trong cuốn sách của mình, ngài mô tả việc trừ tà trong hơn một năm cho một người phụ nữ bị bảy con quỷ chiếm hữu.
Không bị cuốn vào “màn kịch của quỷ dữ”, khi cô ấy cuối cùng đã thoát khỏi lũ quỷ, Cha Lampert coi thành công của mình như một điều gì đó rất đỗi bình thường. Ngài ăn mừng bằng cách mua một ly sữa lắc sô cô la tại một cửa hàng Dairy Queen gần đó.
“Nơi đó rất đông đúc và khi tôi xếp hàng để gọi đồ uống”, ngài viết, “tôi tự nghĩ rằng nếu những người này biết tôi vừa đến từ đâu, tôi sẽ giống như Môsê băng qua Biển Đỏ”.
Một trong những lý do khiến Cha Lampert thành công trong tác vụ là vì ngài coi đó là một phần trong ơn gọi linh mục của mình.
“Ơn gọi là tiếng gọi từ Thiên Chúa”, ngài nói. “Bởi tình trạng thiếu linh mục, chúng ta khoác lên mình quá nhiều vai trò và bị kéo theo quá nhiều hướng, nên có nguy cơ coi chức linh mục như một nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong tư cách ơn gọi, bạn là một linh mục 24/7. Trong tư cách nghề nghiệp, bạn làm việc của mình và bạn đã, đang và sẽ tiếp tục làm việc tiếp theo”.
Ngài cũng cảm thấy mạnh mẽ về tác động tích cực trong tác vụ của mình.
“Cuối cùng, mọi thứ ma quỷ làm đều nằm trong tay Chúa. Tôi tin điều đó một cách toàn tâm toàn ý. Và, vì điều đó, tôi luôn có hy vọng và niềm vui”, ngài nói.
Tác giả: Sean Gallagher
Lm Nam An dịch