Lm. Ronald Rolheiser
Tác giả Andrew Greeley từng gợi ý, có lẽ chúng ta sẽ có ích hơn nếu chúng ta suy gẫm về phiên bản này của thiên đàng: Tình trạng ngây ngất thể lý và sự thỏa mãn tinh thần chúng ta có từ sự giao hợp tình dục giữa hai người yêu nhau sâu đậm là dự báo tốt nhất hiện nay cho tình trạng vĩnh hằng của chúng ta khi được phục sinh. “Giá trị đầy cảm hứng của xung lực tình dục và sự rực rỡ tuyệt diệu của cơ thể con người sẽ không bị kiềm chế trong tình trạng phục sinh như khi bị kiềm chế do sự yếu ớt của thế giới này. Niềm vui phục sinh sẽ mang tính tương giao, thể lý, tình dục và phối hợp, vì chúng ta sẽ tận hưởng chúng với nhau”.
Không ít người sốc với dạng hình dung này về thiên đàng. Tuy nhiên, chính dạng hình dung này rất nổi bật trong đường lối mô tả thiên đàng của nhiều nhà thần nghiệm Kitô giáo vĩ đại, kể cả Thánh Gioan Thánh Giá, Thánh Têrêxa thành Avila. Với họ, cái chết là đêm tân hôn.
Hơn nữa, khi nhìn vào cách một vài ngôn sứ, nổi bật là tiên tri Isaiah khi họ mường tượng về “thời cánh chung”, thì chúng ta thấy có sự tương đồng nổi bật giữa hình dung của họ về điều cấu thành ơn cứu rỗi và hình tượng tình dục của các nhà thần nghiệm. Trong cả hai trường hợp, hình dung này mang tính toàn vẹn, giao hợp, tình yêu vô giới hạn, cuộc sống bình thường bị đảo lộn hoặc một sự bình an tối hậu đến ngất ngây. Ví dụ như, khi tiên tri Isaia cho rằng vào thời cánh chung, chó sói sẽ nằm bên cạnh cừu non, hổ báo chơi với trẻ con, bò và gấu sẽ kết thân, kể cả sư tử cũng ăn cỏ như bò, và khi ngài mường tượng về thời cánh chung là bàn tiệc với những món cao lương mỹ vị nhất, những loại rượu hảo hạng nhất, thì ảo tượng của ngài so với điều mà Greeley gợi ý, chỉ khác về hình ảnh, chứ không khác về bản chất. Trong cả hai trường hợp, một hình ảnh thơm tho và khơi gợi giác quan sâu sắc được dùng để mô tả về những gì có thể đến nếu chúng ta mở lòng ra với ơn cứu rỗi.
Tôi nêu bật những ảo tượng này vì chúng ta quá hiếm khi được dạy rằng những ảo tượng của chúng ta, kể cả những ảo tượng tình dục, có thể là nơi chúng ta trực cảm sự cứu rỗi. Chúng ta thật có phúc nếu được dạy rằng những ảo tượng trần gian của chúng ta có thể, ít nhất là có khả dĩ, là một nguồn phong phú cho sự thấu suốt và trưởng thành về mặt thiêng liêng. Làm sao lại thế?
Trong những mộng tưởng yêu thích của mình, chúng ta thường hình dung một vài thành phần thiết yếu của sự cứu rỗi, nghĩa là những ảo tượng đẹp nhất của chúng không tránh khỏi là những hình ảnh về sự giao hợp trọn vẹn. Trong những ảo tượng đó, chúng ta giao hợp và được giao hợp, làm cho trọn vẹn và được nên trọn vẹn, biết rõ rằng mình được biết rõ, diện đối diện (như thánh Phaolô mô tả trong thư gởi tín hữu Côrintô 1, chương 13, câu 12-13). Trong những mộng tưởng của mình, chúng ta chưa hề thiếu cái ôm trao ban sự sống. Trong những giấc mộng, chúng ta làm tình một cách thật sự và không dè dặt.
Những ảo tượng đẹp nhất của chúng ta làm cho hiện thực đảo ngược một cách vui thú, kiểu như sư tử ăn cỏ như bò trong sách Isaia. Trong những mộng tưởng của chúng ta, các luật lệ bình thường của thế giới bị dẹp bỏ và chúng ta có thể làm những việc lớn lao và cao cả, bất chấp những giới hạn về thể chất, nghệ thuật, giáo dục hay thực tiễn của mình. Trong những ảo tượng, chúng ta không bao giờ bị giới hạn bởi cơ thể, chủng tộc, học vấn, xuất thân, hoàn cảnh hay trí tuệ. Trong những mộng tưởng, không có gì là không thể. Trong những ảo tượng, chúng ta có thể bay, trở thành một nghệ sĩ, tiểu thuyết gia, vận động viên, ngôi sao điện ảnh và một vị thánh triệu người có một.
Hơn thế nữa, trong những ảo tượng của chúng ta có công lý và chính đáng. Như các ngôn sứ hình dung một ngày phán xét vĩ đại, khi kẻ kiêu ngạo sẽ bị hạ xuống, kẻ tàn ác sẽ phải trả lời cho sự ác độc của mình, và đức hạnh ẩn kín của những người âm thầm chịu đau khổ sẽ được tiết lộ, thì trong những mộng tưởng của chúng ta cũng vậy. Một ảo tượng tốt, theo một cách thơm tho, luôn đem đến công lý. Trong ảo tượng của mình, chúng ta trực cảm một trời mới đất mới.
Cuối cùng, trong những ảo tượng lành mạnh, chúng ta cũng luôn là con người tốt nhất và cao thượng nhất của mình. Trong mộng tưởng, chúng ta không bao giờ nhỏ nhen, hẹp hòi hay bé nhỏ, mà luôn là mẫu mực của đức hạnh và cao thượng, đầy quảng đại, trìu mến, yêu thương sâu sắc và dễ thương.
Thánh Tôma Aquinô phân biệt hai loại hiệp nhất. Theo ngài, chúng ta có thể hiệp nhất với một điều gì đó bằng cách chiếm hữu hoặc khao khát. Trong những ảo tượng của chúng ta, kể cả những ảo tượng quá khơi gợi và riêng tư đến nỗi làm cho chúng ta cảm thấy xấu hổ, đều cho chúng ta cơ hội đặc ân để trực cảm xem sự cứu rỗi trông như thế nào và có cảm giác như thế nào.
Đáng buồn là, khái niệm về thiên đàng đến với chúng ta qua giáo huấn của Giáo Hội, giáo lý căn bản và các lớp học giáo lý, lại thường quá nhạt nhẽo, vô trùng, nhị nguyên, vô tính và thuần khiết đến nỗi chúng ta không muốn đổi cuộc sống trần thế này để lấy nó. Cuộc sống ở trần thế, với mọi nỗi đau và chán nản, vẫn có vẻ phong phú và thú vị hơn thiên đàng được hứa cho chúng ta sau khi chết. Thông hiệp với các thiên thần, ánh sáng tuyệt đối, và viễn cảnh ngồi thinh lặng vĩnh viễn thờ phượng Thiên Chúa, những điều này dù rất đúng và đầy ý nghĩa nếu hiểu đúng, nhưng cũng quá mơ hồ để có thể làm chúng ta vượt ra khỏi những lạc thú đời này.
Do đó, chúng ta có một điều cần học nơi các ngôn sứ trong Kinh Thánh, nơi các nhà thần nghiệm – và từ cả hình tượng có vẻ bất kính của tác giả Andrew Greeley.
J.B. Thái Hòa dịch